Nhiều tiềm năng phát triển thị trường hàng hóa - dịch vụ môi trường
Các đại biểu tham gia hội thảo |
Ông Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại - cho biết, trong bối cảnh tự do hóa thương mại, hàng hóa - dịch vụ môi trường đang dần trở thành những nội dung quan trọng trong các đàm phán thương mại song phương, đa phương cũng như các khuôn khổ hợp tác quốc tế. Năm 2014, thương mại toàn cầu đối với hàng hóa - dịch vụ môi trường đạt khoảng 4.000 tỷ USD, ước tính con số này sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng rất cao. Tại thị trường Việt Nam, năm 2014 đã đạt 20 tỷ USD, chiếm 0,5% thị trường toàn cầu và đứng thứ 33 trong Top 50 quốc gia trên thị trường hàng hóa - dịch vụ môi trường của thế giới.
Cũng theo ông Minh, dù có kết quả tương đối khả quan nhưng sự phát triển hàng hóa - dịch vụ môi trường của Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế, không đồng đều giữa các lĩnh vực. Cụ thể, trong khi lĩnh vực dịch vụ môi trường như xử lý nước thải, rác thải đã góp phần giải quyết được 30-35% nhu cầu bảo vệ môi trường thì sản xuất hàng hóa môi trường phục vụ cho hoạt động này lại chưa phát triển và chỉ có khoảng 15 doanh nghiệp (DN) tham gia vào hoạt động này.
Đồng quan điểm, ông Dương Đình Giám - Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam - cho biết, hiện số lượng DN cung cấp dịch vụ xử lý nước thải đô thị, công nghiệp còn hạn chế và chủ yếu là DNVVN; mới chỉ có 8/63 tỉnh thành phố có trạm xử lý nước thải; xử lý nước thải khu công nghiệp mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. DN hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn đô thị mới đáp ứng được 15% nhu cầu. Đặc biệt, lĩnh vực chất thải nguy hại dù được cho là phát triển nhất song cũng chỉ có khoảng 90 DN hoạt động, quy mô nhỏ đến rất nhỏ, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm. Các lĩnh vực khác như: thu giữ các-bon, sản xuất chế tạo thiết bị công nghệ môi trường… dù được đánh giá là có khởi sắc nhưng hầu hết DN hoạt động đều yếu về tài chính nên hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến.
Ông Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) - khẳng định, sự phát triển của hàng hóa - dịch vụ môi trường ở Việt Nam sẽ là tất yếu để phù hợp với tự do thương mại hóa toàn cầu và tăng trưởng xanh. Thị trường này có đầy tiềm năng và Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển để bắt kịp với xu hướng thế giới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN…
Theo Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công Thương), để thúc đẩy sự phát triển cho hàng hóa - dịch vụ môi trường, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều hoạt động hướng tới tăng trưởng xanh và thu được những kết quả nhất định. Từ các hoạt động này đã góp phần hình thành nên thị trường sản phẩm, dịch vụ môi trường. Tuy nhiên, hiện việc đưa các sản phẩm này vào lưu thông trên thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn do giá thành cao, hành vi tiêu dùng chưa phổ biến… Để thúc đẩy sự phát triển cho ngành này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, DN trong tuyên truyền sản xuất, sử dụng, thải bỏ các hàng hóa dịch vụ môi trường.