Cơ hội và thách thức nào cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022? Điểm sáng xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 |
Xuất khẩu thuỷ sản sang EU tăng cao trong nửa đầu năm 2022. Ảnh: T.H |
Xuất khẩu có xu hướng giảm
Theo phân tích của bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, ngày 14/7, đồng Yên Nhật đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 24 năm so với đồng USD. Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng Yên giảm mạnh so với đồng USD là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách lãi suất giữa hai nền kinh tế sẽ nới rộng khi Fed có thể sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất.
Cùng với đó, đồng EUR của châu Âu cũng chứng kiến lần đầu tiên trong vòng 20 năm giảm xuống mức ngang bằng với đồng USD. Một trong những nguyên nhân khiến đồng EUR mất giá là do giá khí đốt tăng mạnh và sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung năng lượng từ Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, gây ra lo ngại suy thoái trong khu vực đồng EUR. Trong khi Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ để giảm lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu lại chưa đưa ra các quyết định tương tự.
Khi đồng EUR giảm giá so với USD, dù các doanh nghiệp Việt không bị ảnh hưởng do hầu hết giao dịch xuất nhập khẩu bằng USD, nhưng lợi nhuận của nhà mua hàng giảm nên họ có thể giảm nhu cầu với nhà xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, khi đồng nội tệ yếu đi, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, người tiêu dùng châu Âu sẽ cân nhắc chi tiêu, lựa chọn những mặt hàng thiết yếu có giá hợp túi tiền, điều này làm giảm sức cầu.
Chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong nửa đầu năm 2022 đạt trên 688 triệu USD, tăng hơn 41%so với cùng kỳ năm trước. Sau khi tăng 58% trong quý 1/2022, xuất khẩu thuỷ sản sang EU trong quý 2 đã tăng trưởng chậm lại, với mức tăng chỉ còn 31%, đạt 390 triệu USD. Xu hướng trong nửa cuối năm, mức tăng trưởng tiếp tục giảm xuống.
Theo bà Kim Thu, đồng Yên Nhật rớt giá xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD, đã xuất hiện tình trạng nhà nhập khẩu Nhật Bản đề nghị đàm phán lại giá nhập khẩu đề bù đắp những thiệt hại cho họ khi đồng Yên sụt giá. Hoặc có tình trạng khách hàng đã ký hợp đồng từ trước, nhưng đề nghị đàm phán nhận hàng chậm lại. Bị thiệt nhiều khi đồng nội tệ mất giá, các nhà nhập khẩu của Nhật Bản cũng sẽ điều chỉnh kế hoạch cũng như nhu cầu nhập hàng trong giai đoạn này.
Một lo ngại nữa, khi đồng USD tăng giá cũng có nghĩa chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng theo. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp của Việt Nam do phải nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu từ nước ngoài.
Chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản trong nửa đầu năm nay đạt trên 800 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ.
Trước áp lực lạm phát, giá thủy sản tại Nhật Bản liên tục tăng trong thời gian qua. Hơn nữa, đồng Yên Nhật Bản mất giá, càng làm cho người dân Nhật phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu, do vậy xuất khẩuthủy sản sang thị trường này cũng khó có những đột phá đáng kể từ nay đến cuối năm.
Doanh nghiệp linh động chọn thị trường
Cùng với đồng EUR mất giá, EU cũng là thị trường có mức lạm phát cao trong nửa đầu năm nay. Lạm phát kỷ lục 8% trong quý 2 cho thấy thương mại của EU đang bị khủng hoảng, sau Covid-19 và đặc biệt sau những lệnh trừng phạt thương mại với Nga do xung đột tại Ukraine. Lạm phát phủ bóng đen lên nền kinh tế khu vực Eurozone, tác động giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân châu Âu. Do vậy, những mặt hàng thuỷ hải sản giá cao sẽ nằm trong danh sách mà người tiêu dùng phải cân nhắc, tính toán.
Trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp XK phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình.
Theo phân tích của thạc sĩ Phan Minh Hòa, Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT, thực chất đồng USD vẫn là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn (khoảng 60-70%) các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nên ảnh hưởng của sự biến động của VND so với các đồng tiền khác là ít hơn.
Ngoài ra, có một điểm cần lưu ý là với một số mặt hàng, để xuất khẩu, doanh ngiệp cần nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu. Vì vậy nếu USD tăng giá, khiến cho doanh thu xuất khẩu bằng USD được lợi, nhưng ngược lại chi phí nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng USD cũng tăng. Vì vậy, việc đánh giá được mất sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh ngiệp cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá, và cập nhật về tình hình lạm phát, lãi suất, dịch bệnh COVID-19, chiến sự Nga-Ukraine... Từ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và đa dạng hóa, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.
Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có lượng dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay, việc Ngân hàng Nhà nước vận hành tỷ giá trung tâm, đồng thời đảm bảo cho các thanh khoản bằng ngoại tệ sẽ giúp cho sự ổn định của tiền đồng. Điều này giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không gặp các cú sốc về biến động tỷ giá.
Sự sát cánh của Chính phủ, các Bộ ngành, Ngân hàng trong việc linh hoạt chỉ đạo, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, điều chỉnh tỷ giá, lãi suất ổn định hợp lý… luôn rất là điều rất cần thiết với doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường thế giới diễn biến khó lường hiện tại.