Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Cần giải pháp gỡ khó cho tiêu thụ tro xỉ
Phấn đấu giảm áp lực
Theo quy hoạch, bãi chứa tro xỉ tại cụm Nhiệt điện Vĩnh Tân là 9,3 triệu tấn. Tro xỉ thải của 2 Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng đều được thu gom vận chuyển theo đúng quy trình và dùng chung một bãi chứa, nhưng đến nay đã gần đầy, lên tới hơn 8 triệu tấn. Vậy, diện tích còn lại để lưu trữ rất hạn chế, chỉ đủ khả năng lưu trữ khoảng 1 năm vận hành của 2 nhà máy. Bình quân, 2 nhà máy nếu chạy hết tải sẽ thải ra khoảng 5.200 tấn tro xỉ/ngày, trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là 1.200 tấn/ngày; Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là 4.000 tấn/ngày.
Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 bãi chứa tro xỉ đã gần đầy |
Để giải quyết được lượng tiêu thụ tro xỉ, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, từ khi đưa vào vận hành đến hết tháng 6/2022 phát sinh tro xỉ là 1.316.670,60 tấn. Trong đó, công ty đã chật vật kết nối, tìm đầu ra và mới ký hợp đồng với đối tác tiêu thụ được 470.676,09 tấn; chôn lấp tại bãi xỉ 845.994,51 tấn. Theo đó, Nhà máy đã ký hợp đồng tiêu thụ và vận chuyển tro xỉ với 4 đơn vị, đạt tỷ lệ 47,3%, khối lượng chôn lấp trên bãi xỉ chiếm 52,7%.
Tiếp đó, Nhà máy đã ký hợp đồng với 3 nhà thầu tham gia tiêu thụ tro xỉ của Nhà máy gồm: Công ty TNHH Orient Wealth tiêu thụ 164.904 tấn/tro, xỉ/năm, liên tục trong 1 năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2021; Công ty TNHH My Sơn và Công ty CP Hoàng Sơn Fly Ash and Cement trung bình mỗi công ty tiêu thụ 164.904 tấn/năm, liên tục trong 05 năm bắt đầu từ năm 2022. Bên cạnh đó, Nhà máy vẫn tiếp tục tổ chức mời thầu, lựa chọn đối tác đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tro, xỉ. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ chi phí cho đối tác, nhằm khuyến khích tăng khối lượng tiêu thụ, giảm thiểu phát sinh chôn lấp tại Bãi xỉ như hiện nay.
Ngoài ra, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang triển khai xin phép chuyển cảng tạm phục vụ thi công để xuất tro, xỉ nhằm giảm chi phí, tăng khối lượng tiêu thụ tro xỉ.
Có cơ chế nhưng vẫn tắc
Nhằm giải tỏa nỗi lo về tro, xỉ thải cho các nhà máy nhiệt điện chạy than, các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, đánh giá xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện đủ điều kiện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Theo đó, ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng- hướng giải thoát tích cực cho các nhà máy nhiệt điện- một niềm vui đã tới với các nhà máy nhiệt điện, trong đó có Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Tưởng chừng khó khăn đó được giải quyết ngay, nhưng đến nay, tro xỉ tại cụm nhiệt điện phía Nam, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vẫn như gà “mắc” tóc, chưa thể gỡ bởi thói quen địa phương chưa sử dụng vật liệu xây dựng làm từ tro xỉ than nên chưa được người dân địa phương và các tỉnh khu vực phía Nam đón nhận. Trong khi đó, các tài liệu chứng minh vật liệu làm từ tro xỉ của Vĩnh Tân 4 đều đáp ứng các điều kiện về môi trường; chất thải nguy hại trong tro xỉ đều dưới mức cho phép nên hoàn toàn đủ điều kiện.
Về phía doanh nghiệp, hầu như chưa mặn mà đầu tư vào công nghệ xử lý và tái sử dụng tro xỉ do chi phí lớn, hiệu quả kinh doanh không cao.
Một vướng mắc quan trọng hơn cả là thiếu cơ chế hỗ trợ cụ thể cho hoạt động tái chế tro xỉ, dẫn tới giá thành của sản phẩm tái chế không cạnh tranh được so với các vật liệu truyền thống. Đồng thời, chưa có chính sách ưu tiên các dự án, công trình sử dụng tro xỉ thay thế vật liệu xây dựng truyền thống, đường giao thông… dẫn tới khó khăn trăm bề vẫn lùng bùng chưa được giải thoát.
Một góc nhà máy của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 |
Cần hướng dẫn cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu
Triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện thuộc cụm Nhiệt điện Vĩnh Tân, ngày 02/6/2022 UBND tỉnh Bình Thuận đã ra công văn số 1694 gửi các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và các chủ đầu tư công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay gần như vẫn giậm chân tại chỗ, doanh nghiệp chưa thực thi được bởi cơ chế chưa sát thực.
Chia sẻ về nguyên nhân và khó khăn tồn tại nêu trên, đại diện Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 bày tỏ rất khó khăn cho đầu ra tro, xỉ vì chưa có cơ chế, công văn hướng dẫn cụ thể nên các doanh nghiệp chưa thể hợp tác triển khai được.
Để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ tro xỉ, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 kiến nghị, với mong muốn tỉnh Bình Thuận sớm đề nghị tới Bộ Tài nguyên & Môi trường, các Bộ, ngành liên quan, sớm ban hành chính thức văn bản pháp luật, để thúc đẩy dùng tro, xỉ làm vật liệu san lấp, đường giao thông... Đồng thời, giới thiệu địa điểm cho phép thí điểm dùng tro, xỉ làm vật liệu san lấp mặt bằng khu công nghiệp, công trình xây dựng; hoàn nguyên các mỏ khoáng sản, vật liệu xây dựng đã hoàn thành việc khai thác; đắp nền các công trình đường giao thông, nhất là đắp nền đường dẫn vào cao tốc các đoạn qua khu vực tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận trong xây dựng các tuyến cao tốc Bắc - Nam, cũng như các hạng mục công trình đường giao thông qua địa bàn tỉnh; làm vật liệu đê, kè chống xói lở, xâm thực đối với các công trình ven biển…
Song song với ý kiến trên, nhà máy cũng mong muốn, UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm, đôn đốc các sở, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ các thủ tục pháp lý; đẩy mạnh tuyên truyền về tính hiệu quả, đảm bảo an toàn, chất lượng khi sử dụng vật liệu làm từ tro xỉ của nhiệt điện. Đồng thời, cho phép dùng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 san lấp cảng Cà Ná giai đoạn hai. Nếu được tỉnh chấp thuận, có hỗ trợ cụ thể trong việc tiêu thụ, chắc chắn trong thời gian ngắn sẽ tiêu thụ hết tro xỉ tồn bởi, hiện nay, đặc biệt các tỉnh phía Bắc 100% các nhà máy điện đã tiêu thụ hết tro xỉ.
Tính cấp bách của việc tiêu thụ tro xỉ là việc làm hết sức cần thiết, tránh việc phải dừng sản xuất điện của nhà máy sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, an sinh xã hội, đóng góp vào ngân sách địa phương, an ninh năng lượng bởi nhà máy có đóng góp rất lớn vào tỉnh Bình Thuận.
Đối với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có 3 tổ máy, với tổng công suất 1.800 MW. Từ đầu năm 2019 đi vào vận hành thương mại đến nay, tính lũy kế nhà máy đã nộp vào ngân sách cho tỉnh Bình Thuận là 3.216 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng 6 tháng đầu năm 2022 là 637 tỷ đồng- một con số rất lớn, đóng góp không nhỏ vào ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, nhà máy còn tạo việc làm cho gần 600 cán bộ công nhân viên, trong đó người địa phương chiếm khoảng trên 40%. Với mức thu nhập bình quân trên 17 triệu đồng/người/tháng- nằm trong “Top” đầu khu vực, đặc biệt là ổn định và đóng góp vào an sinh xã hội…
Chỉ sơ qua những con số trên cho thấy, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã đóng góp với những con số rất ấn tượng vào tỉnh Bình Thuận, không chỉ sản xuất điện an toàn, liên tục mà còn góp phần vào việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh Bình Thuận sớm chung tay gỡ khó cho tiêu thụ tro, xỉ của Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, tất cả vì mục tiêu ổn định phát triển kinh tế chung.