Nhà sàn Bác Hồ- Biểu tượng phong cách Hồ Chí Minh
Nhà sàn Bác Hồ - nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước |
60 năm di tích nhà sàn Bác Hồ
Tháng 3/1958, Bác có chuyến đi thăm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thấy đời sống nhân dân đã được nâng lên, đồng bào đã có thêm nhiều nếp nhà mới, Bác rất vui và nói với đồng chí Vũ Kỳ là thư ký và đồng chí Kháng là bảo vệ cho Bác rằng, Bác muốn làm một ngôi nhà nhỏ ở bên kia bờ ao cá theo kiểu của đồng bào Việt Bắc. Sau đó, Bác cho mời kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đến và nói rõ ý định làm nhà sàn. Bác nói: "Nhà làm nhỏ, chỉ vừa đủ cho một người ở, gỗ làm nhà làm bằng gỗ thường, tầng dưới để thoáng, tầng trên có 2 phòng nhỏ, cầu thang làm rộng để hai người cùng lên một lúc, hành lang làm rộng để có thể ngồi đọc sách và tiện cho sinh hoạt".
Sau hơn 1 tháng, ngôi nhà được hoàn thành. Ngày 17/5/1958, Bác Hồ chính thức chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn. Nhà sàn được xây dựng bằng gỗ thuộc nhóm 4, loại gỗ thông dụng trong xây dựng, lợp mái ngói, xung quanh được treo mành và quanh nhà sàn có trồng nhiều loại cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả và cây bóng mát. Không gian trước nhà sàn được mở ra với một hồ nước mát rộng 3.320m2, đó chính là ao cá Bác Hồ với đủ loại chép, trắm, trôi, mè, rô phi…
Tuy đơn sơ, giản dị, nhưng ngôi nhà sàn đã trở thành một biểu tượng của phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh. 11 năm sống tại nhà sàn (1958 - 1969), Bác đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ vạch ra nhiều chiến lược, sách lược hoạch định đường lối, chỉ đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Những cống hiến của Người cùng tấm gương đạo đức, phong cách sống giản dị, sự tinh tế trong ứng xử với con người, thiên nhiên, tinh thần đoàn kết dân tộc, hội nhập quốc tế... đã đi vào lịch sử dân tộc, nhân loại.
Phát huy giá trị di tích
Từ khi mở cửa đón tiếp khách tham quan đến nay (1970 - 2018), Khu Di tích với trung tâm là Nhà sàn Bác Hồ đã đón tiếp hơn 70 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập và nghiên cứu; là "địa chỉ đỏ" trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Nhằm phát huy giá trị khu di tích, đến nay, di tích Nhà sàn vẫn đang được bảo quản trong điều kiện môi trường khí hậu tự nhiên, không nhà kính, không điều hòa nhiệt độ, không máy hút ẩm, không công nghệ khí khô. Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục được Ban quản lý Khu di tích rất coi trọng và có những bước phát triển mới từ khâu tổ chức đón tiếp, nội dung thuyết minh đến việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - cho biết, Khu di tích vừa được bảo quản theo quy định đối với di tích vừa làm công tác phát huy tác dụng phục vụ khách tham quan. Hàng năm, lượng khách vào thăm Khu di tích đông, trong đó, có nhiều nguyên thủ quốc gia và nhiều đoàn khách cao cấp trên thế giới. Do vậy, công tác bảo quản không thể tiến hành theo đúng quy trình như một kho bảo quản thông thường khác.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những di tích đặc biệt thu hút lượng khách đông nhất vì ngoài ưu thế về vị trí địa lý còn có giá trị văn hóa và nội dung lịch sử đặc biệt. |