Nhà nước và doanh nghiệp chung tay tạo nguồn lao động chất lượng
Trước thềm Hội nghị phát triển lao động phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, ông Lê Quốc Việt – Đại diện Website Vieclamnhamay.vn chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam và đòi hỏi, yêu cầu nhiều kỹ sư, công nhân lành nghề hơn, đặc biệt là các lĩnh vực lắp ráp xe, năng lượng sạch.
Ông Lê Quốc Việt |
Thông tin tuyển dụng và hồ sơ trên website Vieclamnhamay.vn cho thấy, tỷ trọng tuyển dụng trên website Vieclamnhamay.vn đã thay đổi rất nhiều trong 5 năm qua. Cụ thể, lượng tin tuyển dụng/đăng tuyển từ chỗ 97% là công nhân, 3% là kỹ sư thì nay tỷ lệ kỹ sư đã tăng lên đến 20%. Tỷ lệ hồ sơ kỹ sư, thợ có tay nghề cao từ chỗ chỉ chiếm 5% năm 2017 thì 2022 đã tăng lên 27% tổng số hồ sơ trên web.
Nhu cầu là vậy, song hiện nay thực tế nguồn lao động là vấn đề đáng báo động khi doanh nghiệp thiếu hụt lao động tay nghề cao, đặc biệt là sau giai đoạn đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy thoái và tình trạng này bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam. Nhiều ngành sản xuất, nhiều doanh nghiệp bắt đầu thiếu đơn hàng và buộc phải cho công nhân nghỉ việc.
“Thực trạng này đang gây ra vấn đề là nếu như giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, nguồn lao động ồ ạt trở về quê thì nhiều khả năng trong thời gian tới, có thể sẽ có làn sóng lao động từ quê buộc phải quay về các thành phố lớn để tìm việc khi các doanh nghiệp nhỏ ở quê phải đóng cửa” – ông Việt dự báo. Đồng thời khẳng định, nếu nhà nước và các doanh nghiệp không sớm vào cuộc để giải bài toán nguồn lao động thì sẽ ảnh hưởng đến lực lượng lao động cũng như vấn đề an sinh xã hội.
Theo đó, ông Lê Quốc Việt cho rằng, để giải quyết được bài toán nguồn lao động, đối với các doanh nghiệp, cần chú trọng khâu đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp theo sát nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, tận dụng tốt lượng lao động đi xuất khẩu lao động từ nước ngoài trở về bởi đây là lực lượng vừa có tay nghề, kinh nghiệm, vừa có kỹ năng tốt, lại có tác phong, thái độ chuyên nghiệp và đặc biệt là ngoại ngữ tốt.
Nhu cầu kỹ sư đã tăng lên nhanh chóng những năm vừa qua |
Doanh nghiệp cũng cần có chế độ đãi ngộ tương xứng với kỹ sư, công nhân có tay nghề cao, không chỉ ở mức lương, thu nhập mà ở cả môi trường làm việc và sinh sống như văn hóa doanh nghiệp, nhà ở cho công nhân, chăm sóc về điều kiện y tế, trường học, mẫu giáo cho trẻ em… để thành vòng tuần hoàn khép kín.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải thường xuyên có các khóa, lớp tập huấn giúp cao nhận thức của người lao động trong việc chuyên nghiệp hóa và có tác phong công nghiệp...
“Tất cả các giải pháp kể trên sẽ giúp doanh nghiệp có được nguồn lao động phục vụ cho việc sản xuất của mình” – ông Việt nói.
Với các cơ quan quản lý nhà nước, ông Việt cho rằng, cần có chính sách phù hợp khuyến khích học sinh, thanh niên lựa chọn việc làm là thợ/công nhân có tay nghề cao qua công tác đào tạo, miễn giảm học phí các trường nghề, làm tốt công tác hướng nghiệp. Đồng thời, có các hoạt động vinh danh đội ngũ thợ, công nhân có tay nghề cao ngoài các cuộc thi tay nghề. Cần có những tôn vinh tấm gương công nhân vượt khó hoặc có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Ngoài ra, cần tổ chức cuộc thi/giải thưởng công nhân sáng tạo, tôn vinh những người có sáng kiến, dám nghĩ, dám làm có những phát kiến có giá trị cho ngành sản xuất và cho xã hội. Có định hướng ươm mầm phát kiến, hỗ trợ những ý tưởng từ sơ khởi như phong trào khởi nghiệp.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cần có định hướng tập trung thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao để vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động.
“Cần minh bạch, cung cấp môi trường đầu tư "sạch" cho các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển để Việt Nam có được nguồn công nghệ phát triển nhanh, tiệm cận được với các nước dẫn đầu trong khu vực. Việc này cũng đồng thời giúp nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động của Việt Nam” – ông Việt kiến nghị.