Làm rõ 5 điểm hạn chế của thị trường lao động Việt Nam Những thị trường lao động ngoài nước nào Việt Nam hướng tới? |
Nhiều chuyển biến tích cực
Ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang, trong tháng 8/2024, địa phương này thu hút được 85,67 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 1,16 lần tháng 8/2023; lũy kế 8 tháng đạt 1.624,51 triệu USD. Trong đó, cấp mới 19 dự án trong nước, vốn đăng ký 11.506 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2023 và 47 dự án FDI, vốn đăng ký 351,2 triệu USD, bằng 28% cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án đầu tư trong nước với số vốn bổ sung 2.555,7 tỷ đồng và 47 dự án FDI, vốn đăng ký tăng thêm 710,83 triệu USD, gấp 3,4 lần cùng kỳ.
Hỗ trợ đào tạo để nâng cao chất lượng thị trường lao động. Ảnh: T.Tâm |
Cũng trong tháng 8, tỉnh này cấp mới đăng ký doanh nghiệp cho 166 doanh nghiệp và 12 chi nhánh, văn phòng đại diện, 81 địa điểm kinh doanh, tổng vốn đăng ký 972 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 1.216 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký là 9.917 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2024 tăng 28,27% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số 8 tháng tăng 27,59% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng ước đạt trên 438.600 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ.
Những con số nêu trên cho thấy tín hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại. Nhờ đó, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tăng cao.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ…, với các mặt hàng chính là máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, hàng dệt may… Hiện, nhiều công ty đang nỗ lực tìm kiếm và phục hồi lại đơn hàng với đối tác truyền thống nhằm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Để đáp ứng nhu cầu, ngoài việc doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng, địa phương cũng tập trung đào tạo nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Số liệu của UBND tỉnh Bắc Giang cho thấy, hết tháng 8/2024, tỉnh đã tạo việc làm mới cho 26.502 lao động, đạt 82,3% kế hoạch năm.
Nếu như Bắc Giang điển hình cho các tỉnh phía Bắc có nhiều chuyển biến tích cực về thị trường lao động thì phía Nam là tỉnh Bình Dương. 8 tháng năm 2024, Bình Dương thu hút khoảng 1,1 tỷ USD vốn đầu tư FDI. Tại đây, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Được biết, trong năm 2024, doanh nghiệp ở Bình Dương cần tuyển dụng khoảng 60.000 - 80.000 lao động. Các đơn vị trực thuộc cũng đang đẩy mạnh giải pháp thông tin, kết nối người lao động với doanh nghiệp.
Cũng như Bắc Giang, Bình Dương, tại nhiều địa phương có khu công nghiệp đều chung nhận định, quý III và những tháng cuối năm 2024, thị trường lao động tiếp tục chuyển biến tích cực, trong đó nhu cầu tuyển dụng nhiều ở các lĩnh vực điện tử; công nghiệp cơ khí; may mặc; chế biến gỗ; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn…
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn lao động cũng như kết nối cho người lao động trong việc tìm kiếm việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thu thập thông tin việc làm trống của doanh nghiệp để tuyên truyền đến người lao động; tăng cường tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến kết nối cung - cầu lao động…
Tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề
Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao. Bộ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Giới chuyên gia cũng có chung nhận định, thị trường lao động Việt Nam đã hồi phục sau các cú sốc với hàng trăm nghìn lao động mất việc làm, giãn việc diễn ra từ năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh điểm tích cực, tình hình thị trường lao động vẫn còn những hạn chế như chất lượng cung lao động chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cả nước vẫn còn hơn 37 triệu lao động chưa qua đào tạo, cho thấy thách thức trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Ngoài ra số lao động có việc làm phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn...
Nhiều ý kiến bày tỏ, để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải có lực lượng lao động chất lượng cao được đào tạo bài bản, làm chủ khoa học công nghệ… Muốn vậy, phải có lực lượng lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, làm chủ khoa học công nghệ; phải có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt .
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý góp phần phát triển thị trường lao động. Đến nay, thị trường lao động đã từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới.
Để tiếp tục hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng tay nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được xây dựng, ban hành từ năm 2015 theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mức hỗ trợ chi phí đào tạo cho các đối tượng 2-6 triệu đồng/người/khóa đào tạo, tùy theo từng đối tượng; ngoài ra, một số đối tượng được hỗ trợ tiền ăn (30.000 đồng/người/ngày thực học), tiền đi lại (200.000 đồng/người/khóa học).
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được xây dựng từ năm 2015, đến nay đã gần 10 năm và chưa được điều chỉnh. Hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế và biến động về giá cả.
Vì vậy, tại dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, người tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo cho 1 khóa học. Mức chi phí đào tạo cho từng nghề và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
Cũng theo dự thảo, mức hỗ trợ được đề xuất: Tiền ăn tối thiểu 50.000 đồng/người/ngày thực học; tiền đi lại tối thiểu 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
Riêng người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Mức hỗ trợ tiền đi lại tối thiểu 500.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú lừ 5km trở lên.
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 9/2024. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất mở rộng thêm hơn 10 trường hợp thuộc diện được vay vốn tạo việc làm từ các nguồn vốn vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
Nhận định của giới chuyên gia, điều này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Ngoài 5 nhóm nghề đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất hiện nay là kế toán - kiểm toán; công nghệ thông tin - viễn thông; tiếp thị, quảng cáo, truyền thông; khoa học và kỹ thuật; lao động sản xuất, Bản tin thị trường lao động Việt Nam (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng đưa ra dự báo 3 ngành sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng tháng cuối năm 2024 là: Chế biến gỗ; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn. Đây là cơ sở để ngành chức năng, doanh nghiệp sắp xếp kế hoạch đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường. |