Nới lỏng giãn cách, tăng sức mua thị trường nội địa cuối năm Thị trường nội địa: Đòn bẩy tăng trưởng trong đại dịch Tăng tiêu thụ thanh long ở thị trường nội địa |
Nguồn cung tăng, giá giảm
Ngày 31/03/2022, Siêu thị Tứ Sơn (An Giang) tổ chức Chuyến xe hàng Việt về nông thôn tại thị trấn An Châu, huyện Châu Thành. Đây là hoạt động trong chuỗi 99 chuyến xe lưu động hàng Việt về nông thôn năm 2022, được tổ chức cùng với Lễ phát động “Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm 2002” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Sở Công Thương tỉnh An Giang.
Đây là một trong những sự kiện nổi bật trong đầu năm 2022 nhằm cung ứng hàng hóa Việt về khu vực nông thôn cho người tiêu dùng. Đồng thời, giúp thị trường hàng hóa trong nước sôi động hơn.
Chuyến xe hàng Việt về nông thôn tại thị trấn An Châu, huyện Châu Thành |
Theo Bộ Công Thương, việc các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng, tháng 3 đạt 438.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%).
Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.318.000 tỷ đồng, tăng 4,4%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 1,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2%).
Mặc dù nguồn cung hàng hóa dồi dào nhưng theo Bộ Công Thương, sức mua thời gian qua vẫn còn yếu, tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu như: hàng lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa giáo dục và phương tiện đi lại. Trong khi các nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đều giảm. Bên cạnh đó, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa trong năm nay và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện hiệu quả các Chương trình bình ổn thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương, khôi phục hoàn toàn hoạt động các chợ truyền thống, đầu mối nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu.
Từ giữa tháng 3, giá một số mặt hàng tươi sống, rau củ quả và một số hàng hóa có chiều hướng tăng do tác động từ chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu tăng. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giữ giá cả các mặt hàng ở mức hợp lý.
Đơn cử, mặc dù chịu khó khăn do nhiều yếu tố đầu vào tăng cao song để hỗ trợ cho người tiêu dùng, từ 2/4, Saigon Co.op đã làm việc với nhà cung cấp để giảm giá khoảng 15-20% cho tất cả các nhóm mặt hàng nhằm chia sẻ áp lực với người tiêu dùng và bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều năm nay, hàng nhãn riêng Co.op đã được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn do giá cả hợp lý, thường xuyên áp dụng chương trình khuyến mãi, đa dạng sản phẩm và mẫu mã, đồng thời an tâm về chất lượng. Từ nay đến 14/4, các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra trên toàn quốc sẽ triển khai chương trình giảm giá với hàng loạt hàng nhãn riêng. Như gạo thơm ST25 Co.op Finest, đường tinh luyện RE Co.op Select 2kg, nước chấm cá cơm siêu tiết kiệm Co.op Happy 5L, dầu nành Co.op Select 5L…
Riêng với mặt hàng xăng dầu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Đồng thời, công tác điều hành giá xăng dầu trong nước luôn được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại các Nghị định của Chính phủ.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, có biện pháp điều tiết phù hợp
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương dự báo, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng tương đối cao, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn. Bên cạnh đó, việc mở cửa du lịch trở lại sẽ kích thích mua sắm, tiêu dùng. Triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ sáng sủa hơn do sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.
Do đó, Bộ Công Thương định hướng sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá
Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường.Thường xuyên phối hợp với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung các hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước nhằm cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân, tạo tâm lý ổn định cho người dân và thị trường.
Đối với mặt hàng xăng dầu, do tình hình địa chính trị bất ổn, nguồn cung khan hiếm, sự phục hồi kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến giá xăng dầu thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, đảm bảo thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được giao trong năm 2022 và giao bổ sung theo Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 của Bộ Công Thương để có sự điều hành phù hợp.