Nguồn cung khan hiếm, xuất khẩu cà phê sẽ giảm dần theo từng tháng
Theo ghi nhận của Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá cà phê Robusta bật tăng hơn 10%, xác lập mức đỉnh lịch sử mới tại 4.617 USD/tấn. Giá cà phê Arabica tăng tuần thứ ba liên tiếp, đưa giá giao dịch hiện tại lên mức cao nhất trong hơn hai năm qua. Nguồn cung cà phê hạn chế tại các quốc gia sản xuất hàng đầu cùng sự suy yếu của tỷ giá đã hỗ trợ giá đi lên.
Tại Việt Nam, theo Tổng cục Hải quan, tháng 6, khối lượng cà phê xuất khẩu chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ năm trước, giảm 11,5% so với tháng trước. Tính chung nửa đầu năm nay, khối lượng xuất khẩu cũng giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Thêm vào đó, thị trường tiếp tục bi quan về triển vọng nguồn cung cà phê vụ mới tại Việt Nam. Các dự báo từ các tổ chức trong và ngoài nước đều cho thấy, sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của nước ta sẽ giảm 15-20% so với vụ hiện tại. Sản lượng thấp sẽ kéo theo hoạt động xuất khẩu đi xuống, đồng thời làm thiếu hụt nguồn cung trầm trọng hơn trên thị trường.
Nhiều chuyên gia nhận định nguồn cũng dần khan hiếm, hoạt động xuất khẩu sẽ giảm dần theo từng tháng. Thậm chí, lượng xuất khẩu cà phê nước ta chỉ cải thiện từ cuối năm khi vụ mới được thu hoạch.
Một số công ty cà phê cho hay kho hàng của doanh nghiệp gần như cạn sạch, trong khi tháng 10 mới bước vào vụ thu hoạch mới ở nước ta. Đây cũng là yếu tố đẩy giá cà phê nhân trên thị trường tăng mạnh và neo ở ngưỡng rất cao.
Nguồn cung cà phê tại Việt Nam tiếp tục khan hiếm |
Tương tự, tại Brazil, Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê nước này (CECAFE) dự báo sản lượng cà phê Robusta có thể giảm 10% so với ước tính ban đầu, trong khi sản lượng cà phê Arabica có thể giảm 5%. Thêm vào đó, chỉ số Dollar Index vừa giảm tuần thứ hai liên tiếp sau khi Mỹ công bố CPI, kéo theo tỷ giá USD/BRL đánh mất 0,56%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp phần nào hạn chế nông dân Brazil bán cà phê, từ đó cũng thúc đẩy giá đi lên.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất khu vực, giảm 46,9% xuống còn 1,36 triệu bao trong tháng 5. Đây đã là tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp và tháng thứ 6 kể từ đầu niên vụ đến nay.
Giá cà phê Việt Nam đang có triển vọng sáng, nhưng đi kèm với đó là thách thức lớn về chất lượng và phát triển bền vững. Sự quan tâm và đầu tư đúng mức sẽ là yếu tố then chốt giúp ngành cà phê Việt Nam tiếp tục vươn xa trên thị trường quốc tế.
Việc giá cà phê tăng cao đã và đang khiến người nông dân được lợi, nhưng lại khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, mới đây,Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây đã hợp tác đồng tài trợ chuỗi cung ứng cho các công ty xuất khẩu cà phê, trong nỗ lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu.
Với tổng giá trị tài trợ lên tới 150 triệu USD, trong đó IFC và VPBank cung ứng vốn theo tỷ lệ bằng nhau. Đây là chương trình đồng tài trợ chuỗi cung ứng bao thanh toán đầu tiên IFC hợp tác với một ngân hàng thương mại trong nước để triển khai tại Việt Nam.
Chương trình tài trợ chuỗi cung ứng dự kiến sẽ giúp cung cấp vốn bước đầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và trong các lĩnh vực khác ở giai đoạn sau, mở ra cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.