Thứ năm 21/11/2024 19:06

Người dân miền núi Nghệ An vào rừng hái 'lộc trời', chế biến thành đặc sản

Tháng 8- 9 hàng năm, tới mùa măng người dân ở các huyện miền núi Nghệ An lại băng rừng đi hái “lộc trời”, chế biến thành đặc sản, kiếm thêm thu nhập.

Mùa đi "săn" măng

Theo người dân đi săn măng ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An), cho biết bắt đầu vào mùa thu, khi thời tiết trở nên mát mẻ hơn, là thời điểm măng rừng vào chính vụ. Mùa "lộc trời" măng rừng thường khởi đầu khoảng tháng 7, đến hết tháng 9 hàng năm, sau những cơn mưa dông gột rửa tháng ngày nắng nóng. Theo kinh nghiệm dân địa phương, chừng 2 hoặc 3 ngày sau cơn mưa lớn, măng trong rừng sẽ đùn lên rất nhiều.

Ngoài bán cho thương lái, nhiều người hái măng rừng về để chế biến thành nhiều món ăn đặc sản khác nhau. Măng được làm sạch có thể luộc ăn ngay rất ngọt.

“Mùa măng ở đây bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 9 hàng năm. Những ngày đầu, vào rừng măng nhiều lắm. 2 mẹ con đi từ sáng đến trưa, có khi bán xong quay lại đi hái tiếp, đến 2 đợt trong ngày, kiếm được 150 nghìn đến 200 nghìn đồng…” – Chị Lữ Thị Hoa ở xã Hạnh Dịch, vừa tách măng vừa kể với chúng tôi.

Theo lời những người phụ nữ này, mỗi khi mùa măng đến, phụ nữ ở huyện miền núiQuế Phong lại rủ nhau vào rừng săn măng kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, một người có thể kiếm được từ 1-2 yến măng, cho thu nhập từ 200- 300 nghìn đồng.

Để vào rừng bẻ được măng, công cụ họ mang theo chỉ có vài vật dụng thô sơ như gùi, dao rựa, bao, ủng. Một thứ không thể thiếu trong túi đồ chính là nắm cơm mang theo để ăn dọc đường. Bởi để bẻ được măng, họ phải đi cả buổi, thậm chí là cả ngày trong rừng sâu.

Khi mặt trời xuống núi, cũng là lúc những gùi măng trắng tinh, sạch sẽ được đưa từ rừng về. Với người dân vùng cao, măng được xem như thứ lộc của rừng. Trước đây, măng giúp dân bản nơi đây qua cơn đói. Ngày nay, không những là đồ ăn ngon, người dân còn biết biến thành thứ hàng hoá đặc sản, giúp người dân vùng cao có thêm thu nhập ngoài việc trồng nương rẫy.

Người dân có thể luộc rồi phơi măng để ăn hoặc bán. Mỗi kg măng khô người dân sẽ bán được với giá từ 150-180.000 đồng/1kg.

Tại huyện miền núi Quỳ Châu, nghề "săn" măng rừng có từ khi nào bà con không nhớ nữa. Chỉ nhớ mùa măng nứa bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Mỗi ngày cứ đều đặn 4h sáng, người dân xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu băng rừng săn măng. “Mùa này, cứ tờ mờ sáng tôi với con gái lên rừng hái măng. Chiều về làm sạch vỏ, luộc chín, tách măng đem phơi. Mỗi ngày với 2 gùi măng tươi, sau khi chế biến sẽ được khoảng 1,5 - 2kg măng khô, với giá bán 170.000 đồng/kg. Mỗi mùa măng gia đình bán được khoảng 1 - 1,2 tạ măng khô, cho thu nhập từ 18-20 triệu đồng. Măng bà con làm ra không phải mang đi bán, mà có người buôn vào mua tận bản…” - chị Lo Thị Minh bản Chiềng Ban, xã Châu Thắng cho biết.

Cũng là thợ săn “lộc rừng” lâu năm, anh Vi Văn Dấu ở bản Mưn xã Châu Nga cho biết: Vào mùa măng, 2 vợ chồng sáng sớm đi bộ 3km vào tận rừng sâu. Trung bình mỗi ngày 2 vợ chồng anh hái được khoảng 70kg măng tươi. Anh Dấu cho biết “Sau khi hái măng về phải tách hết vỏ, phần già cứng rồi xếp vào nồi đổ nước vào luộc chín. Thời gian luộc măng từ 1- 2 giờ đồng hồ tuỳ số lượng. Sau khi luộc, măng được tách thành miếng dẹt và đem phơi nắng. Sau khi phơi nắng, thì thu được khoảng 5kg măng khô, thương lái đến thu mua tận nhà với giá 180.000 đồng/kg” - anh Dấu chia sẻ.

Đưa măng loi trở thành đặc sản của địa phương

Ông Vi Văn Ngoan ở bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ (huyện Tân Kỳ) bám rừng thu hái măng loi đã gơn 15 năm nay. Ông kể từ chân núi lên đỉnh núi phải mất hơn 2 giờ đi bộ, hôm nào được nhiều khoảng 50-60 kg, ngày ít hơn cũng được 20kg. Măng loi ở đây rất đắt khách, có hôm người đặt hàng nhiều hàng chẳng đủ để bán. Tuy có vất vả, nhưng bù lại mỗi lần đi hái về tôi bán được từ 600 - 700.000 đồng tiền măng, giúp gia đình có thêm thu nhập.

Măng loi được người dân xã Tiên Kỳ (huyện Tân Kỳ) bán với giá từ 70 - 80.000 đồng/kg.

Măng loi sau khi hái về được sơ chế bằng cách dùng lưỡi dao mỏng, sắc lia nhẹ rọc toàn bộ lớp vỏ để lộ những mầm non. Ống măng càng xanh tươi thì măng càng giòn ngọt.

Thời điểm này, măng loi bóc vỏ được bán tại các chợ trên địa bàn huyện Tân Kỳ và nhập cho các nhà hàng ở Đô Lương, Nghĩa Đàn, Thành phố Vinh... với giá từ 70 - 80.000 đồng/kg.

Đang mua măng loi về dưới xuôi của ông Ngoan, bà Bà Vi Thị Hằng ở bản Chiềng, xã Tiên Kỳ - một tiểu thương thu mua măng loi tại huyện Tân Kỳ cho biết, măng loi là một món rau rừng đặc sản của địa phương được rất nhiều người ưa chuộng.

Thời điểm này, bà cùng một số người thu mua măng loi ở xã Tiên Kỳ về nhập cho các đầu mối tiêu thụ. Mỗi ngày bà bán dao động từ 20-50kg măng loi. Vào mùa vụ chính, có ngày bán được gần 1,5 tạ, thu lãi từ hơn 1 triệu đồng/ngày. Nhiều hôm "cháy hàng" không có để bán, bởi đây là giống măng rừng nên khó tìm, phụ thuộc vào người đi hái măng kiếm được nhiều hay ít.

Nhiều cơ sở chế biến ngâm măng thành từng hũ, thêm ớt để chua rồi bán làm quà. Những hũ măng trở thành đặc sản đi từ vùng núi đến các huyện thành thị trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, ở huyện Tân Kỳ diện tích rừng măng loi tự nhiên ước đạt 80-100 ha; trong đó, diện tích hiện còn cho khai thác ước đạt 45-50 ha. Thời vụ khai thác bắt đầu vào tháng 8 hàng năm và kết thúc vụ khai thác vào tháng 12 hàng năm.

Theo lãnh đạo xã Tiên Kỳ, vào mùa hái măng loi, bà con dân tộc Thổ, Thái vào rừng khai thác tự nhiên vì ngoài chế biến món ăn, còn đem bán cải thiện cuộc sống. Hiệu quả kinh tế từ cây măng loi cao hơn nhiều so với các cây rừng trồng khác trên diện tích đất rừng. Sản lượng ước đạt 18-20 tấn măng tươi, giá trị ước đạt 1-1,2 tỷ đồng/vụ khai thác.

“Để bảo vệ nguồn lợi tự nhiên này, chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ triển khai tuyên truyền đến người dân về cách thu hái (khi thu hái, mỗi bụi măng như vậy phải chừa lại 1-2 mầm để nó phát triển thành cây, thành bụi) chứ không hái triệt để cả gốc…” ông La Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết.

Cũng theo ông La Văn Phúc, cả xã có khoảng 250 ha rừng có măng. Người dân khai thác từ tháng 7-10 âm lịch, chủ yếu do tổ hợp tác khai thác măng gồm 14 người. Mỗi mùa măng tạo việc làm cho khoảng 100 hộ dân với hơn 300 lao động. Mỗi hộ hết mùa măng khai thác khoảng 5 tấn măng tươi, giá bán 15-20 ngàn đồng/kg cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng. Với thu nhập cao, đến mùa măng loi, nhiều hộ dựng lán dưới chân núi ở để săn măng 5 đến 7 ngày mới về.

Với mục tiêu dự án đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân, góp phần thu hút và tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân, nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Huyện Tân Kỳ đã phát triển trồng rừng sản xuất, đưa sản xuất lâm nghiệp là một trong các mũi nhọn phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Trong đó, tập chung chỉ đạo các xã có tiềm năng, thuận lợi trong phát triển các loài cây rừng đặc sản trở thành sản phẩm hàng hóa.

Cây măng có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và khoáng chất, chất xơ, có lợi cho tim và đường ruột. Măng có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch, chống ung thư, giúp giảm cân... nên được rất nhiều người tin dùng và ưa chuộng.

Măng rừng được người dân miền núi Nghệ An chế biến thành nhiều các món ăn đặc sản khác nhau như măng luộc, măng hầm, măng xào, măng ngâm chua cay tỏi ớt... Độc đáo và lạ miệng hơn chính là măng loi bỏ trong ống nứa được nướng trên than củi hồng đượm. Mùi thơm của măng hòa quyện vào vị ngọt của ống nứa tạo nên dư vị hấp dẫn và khó quên.

Lam Hoàng
Bài viết cùng chủ đề: Miền núi Nghệ An

Tin cùng chuyên mục

Lai Châu: Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại

Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Lào Cai: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

Thừa Thiên Huế: Thuỷ điện Bình Điền giảm lưu lượng vận hành để cứu hộ vụ tai nạn ở cầu Bình Thành

Hải Phòng: Điều chỉnh vốn các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 1: Lực đẩy kinh tế Ninh Bình

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Bắc Ninh tiếp tục kiểm tra tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại thôn Mẫn Xá

Yên Bái: Công nhận 5 xã của huyện Lục Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024

Lai Châu: Kinh tế tăng trưởng ổn định, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

25 sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024

Cá tầm hồ Hòa Bình được đấu giá thành công 150 triệu đồng

Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí

Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường hoa ảm đạm trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sơn La: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là 'đầu tàu' trong tăng trưởng kinh tế

Cà Mau: Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Hội chợ Thương mại - Tiêu dùng ở thị trấn Sông Đốc

HĐND tỉnh Thái Bình thông qua 8 nghị quyết quan trọng

Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân quản lý tốt vũ khí, trang bị sẵn sàng chiến đấu