Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân người dân tộc thiểu số
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, đồng hành với nông dân người dân tộc thiểu số trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Dự án 1 thuộc Chương trình - sử dụng máy nông nghiệp hỗ trợ các gia đình chuyển đổi nghề đã góp phần tăng tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất trên địa bàn.
Huyện Kim Bôi khuyến khích người dân tộc thiểu số tại các xã, thị trấn phát huy nội lực để lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống |
Cụ thể, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với Dự án 1, từ năm 2022 – 2023 đến nay, huyện Kim Bôi đã có 232 máy nông nghiệp được bàn giao cho các hộ tại các xã, thị trấn trên địa bàn với tổng giá trị khoảng 2,32 tỷ đồng. Trong đó, Phòng Dân tộc huyện đã trực tiếp bàn giao 150 máy trong năm 2022; các xã, thị trấn bàn giao 82 máy năm 2023.
Ông Bùi Văn Ánh (xóm Đồi 2, xã Kim Bôi) phấn khởi nói: “Nhà tôi thuộc hộ nghèo của xã, rất khó tiếp cận các nguồn vốn thương mại để đầu tư sản xuất. Nhờ có chính sách, chương trình hỗ trợ của địa phương, gia đình tôi được cấp chiếc máy cày mới trị giá 10 triệu đồng. Đây là động lực lớn để gia đình nỗ lực lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Với chiếc máy này, nhà tôi sẽ có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.
Nhiều người dân ở vùng cao Hòa Bình thoát nghèo, tăng thu nhập nhờ được hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp |
Tương tự, anh Quách Hưng Thịnh (xóm Sào, xã Hạ Bì) chia sẻ: “Nếu như trước đây, nông dân phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các khâu từ cày, xới đất, cắt lúa,... thì hiện nay, mọi công đoạn đều được ứng dụng cơ giới hóa. Như nhà tôi trước kia phải thuê người để phụ gieo sạ, phun xịt thuốc, thu hoạch,... vừa tốn nhiều thời gian mà chi phí lại cao. Từ khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gia đình tôi đỡ vất vả, chi phí sản xuất giảm, năng suất lúa tốt hơn, lợi nhuận cũng cao hơn”.
Khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa
Theo ông Đinh Tất Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi thông tin, Kim Bôi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 86% dân số, chủ yếu là người Mường, Dao, Tày… có 7 xã thuộc khu vực III, 6 xã khu vực II, 4 xã, thị trấn thuộc khu vực I và 21 thôn, xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Để nông dân người dân tộc thiểu số đảm bảo sử dụng hiệu quả, tăng thu nhập từ thiết bị, máy móc được hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, hàng năm, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tộc thiểu số tại các xã, thị trấn phát huy nội lực để lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhiều hộ gia đình ở Kim Bôi đỡ vất vả, chi phí sản xuất giảm, năng suất lúa tốt hơn, lợi nhuận cũng cao hơn |
Đồng thời, lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới cùng nhiều chương trình, đề án khác đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ nguồn lực, cây, con giống, trang thiết bị, máy nông nghiệp, bồi dưỡng kiến thức để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện sinh kế và ổn định đời sống.
Cùng với đó, hỗ trợ thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện khuyến khích nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng đa dạng mô hình kinh tế; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân triển khai các chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp sản phẩm rau củ quả, cây ăn quả có múi theo quy trình VietGAP; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo ông Hùng, đến nay toàn huyện Kim Bôi có 30 hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, 17 trang trại chăn nuôi. Có 10 sản phẩm nông nghiệp chủ yếu như: Cam, nhãn, măng, cây dược liệu, gà, dê… được hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trên thị trường.
Việc cơ giới hóa sản xuất giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Kim Bôi nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện sinh kế và ổn định đời sống |
Ông Nguyễn Việt Hòa - Trưởng phòng Dân tộc huyện Kim Bôi cho biết, trước đây, bà con vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện quen với hình thức canh tác lạc hậu, chủ yếu làm thủ công, nhỏ lẻ nên tốn nhiều công sức, hiệu quả kinh tế không cao. Tình trạng đó đã được khắc phục kể từ khi huyện thực hiện dự án cấp máy nông nghiệp cho nông dân. Huyện giao cho các xã trực tiếp triển khai đến khu dân cư, thực hiện rà soát các hộ, phân nhóm và lấy ý kiến của người dân về việc hỗ trợ. Sau khi thống nhất, xã bàn giao máy móc cho các nhóm hộ quản lý.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Kim Bôi đánh giá, diện mạo các xã vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đến nay dần thay đổi, đời sống của người dân chuyển biến tích cực. Nhiều hộ đã tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, chuyển từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.