56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm”
Chúng tôi tới thăm cựu binh Trần Xuân Kình (88 tuổi) trong căn nhà nhỏ ở phường Vinh Tân - TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) khi ông đang cùng đồng đội chuẩn bị những tài liệu lịch sử cho buổi kỷ niệm chiến thắng Điện Biên vào ngày hôm sau.
Dù đã gần 90 tuổi nhưng ông luôn là nhân vật chính của những buổi giao lưu với bạn chiến đấu với các cháu học sinh hay các đoàn thể trên địa bàn, kể chuyện về những ngày ông cùng đồng đội trong Trung đoàn pháo cao xạ 367 chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ để truyền cho thế hệ trẻ nhiệt huyết tuổi trẻ thời chiến cũng như tình yêu quê hương, đất nước.
Cựu binh Trần Xuân Kình - người lính tham gia chiến dịch Điện Biên năm xưa hàn huyên cùng đồng đội |
Mỗi lần như vậy, ông lại khoác trên mình bộ quân phục đã bạc màu, trên ngực áo là rất nhiều tấm huân, huy chương mà Đảng, Nhà nước trao tặng vì những đóng góp của ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước sau này. Ông Kình vẫn nhớ như in từ ngày ông mới tham gia quân đội, cho tới những ngày ông sát cánh cùng đồng đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1953, chàng trai Trần Xuân Kình quê Yên Thành (Nghệ An) mới 19 tuổi bước chân vào đời quân ngũ. Cùng năm đó, ông là một trong số 80 chiến sỹ trong lực lượng quân chủ lực Việt Nam được chọn đi đào tạo về pháo cao xạ tại Trung Quốc. Hơn 1 tháng sau, ông trở về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và trận địa của đại đội ông đóng ở Hồng Cúm.
Ông Kình nhớ lại, “ngay từ ngày đầu, những pháo thủ đã được tuyển chọn rất gắt gao. Hầu hết, họ phải là chiến sĩ đã kinh qua chiến đấu, thể hiện tinh thần dũng cảm, nhanh nhẹn, có sức khỏe tốt, trung thành với cách mạng…”.
Năm 1954, Trung ương quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh vào tập đoàn cứ điểm cuối cùng của Pháp, giải phóng đất nước khỏi một thế kỷ thuộc địa, đại đoàn 312 cùng 4 đại đoàn khác được lệnh hành quân lên đây. Sau quãng thời gian hành quân gian khổ, vừa đi vừa mở đường, vừa ngụy trang, vừa chống chịu với những trận đói và cái rét tê tái miền sơn cước, các cánh quân cũng đã đến được điểm tập kết.
Ông Kình nhớ lại những ngày binh lửa hào hùng |
Ông nhớ lại, trên chiến trường Điện Biên Phủ, nhiệm vụ chính của những người lính pháo cao xạ là đánh máy bay và khống chế toàn bộ, giữ yên bầu trời để cho các lực lượng của quân đội của ta hành động ở dưới mặt đất chiến trường Điện Biên Phủ. Ông Kình cho biết, để có thể đánh phá được không lực hùng hậu của đối phương, các pháo thủ phải có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn: “Mỗi người trong một khẩu đội pháo có một chức năng, nhiệm vụ riêng, nhưng đều phải thống nhất, phối hợp nhuần nhuyễn trong vận hành để đạt hiệu quả chính xác nhất”, ông Kình cho biết.
Lần khống chế đầu tiên trong chiến dịch 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ trên không là vào tháng 4/1954, máy bay Dakota của Pháp từ Hà Nội xuất hiện trên bầu trời Điện Biên Phủ, khi vào đến cự ly 3.700m thì chúng tôi nổ súng buộc chúng phải loạng choạng bay ra và thả toàn bộ dù ra ngoài trận địa của quân ta.
Ông kể, trong những lần khống chế máy bay địch, lần khiến cho ông phải cân não là thời điểm tổng tấn công bởi máy bay Dakota của Pháp xuất hiện rất nhiều với tần suất bay liên tục trên vùng trời Điện Biên. Lệnh của cấp trên phân công mỗi đại đội được đánh vào máy bay giặc. Đại đội của ông ở trận địa Hồng Cúm do vậy cũng đánh, ngắm vào những máy bay bay vào trận địa (bay vào phía Nam sân bay Hồng Cúm). Tuy nhiên không hiểu sao khi đã vào gần cự ly bắn rồi thì tự nhiên lại bay ra. Nhưng lệnh của trên, tất cả đều phải sẵn sàng, dứt khoát nó sẽ lại bay vào, và đúng như dự đoán mấy phút sau lại bay vào và đại đội của ông đã nổ súng.
Với tinh thần chiến đấu cao nhất, đợt tấn công thứ 2 vào trung tâm Điện Biên Phủ và đợt 3, tổng công kích, đánh vào sào huyệt cuối cùng của tướng, chiếm sân bay, chặn đứt đường tiếp tế bằng đường không của địch đều giành được thắng lợi. Với cách đánh “bóc vỏ” này, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - niềm tự hào của quân đội viễn chính Pháp ở Đông Dương hoàn toàn thất thủ. 5h30 phút chiều 7/5, Tướng De Castries phải chấp nhận đầu hàng.
Tự hào là chiến sĩ Điện Biên
Qua 56 ngày đêm anh dũng chiến đấu, khó khăn, vất vả, hy sinh nhưng Trung đoàn pháo cao xạ 367 của ông Trần Xuân Kình đã bắn rơi được 52 máy bay và bắn hỏng một số lượng lớn máy bay địch, góp phần không nhỏ trong thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng tại Điện Biên Phủ năm 1954 là chiến thắng phải đánh đổi bằng hy sinh mất mát của biết bao người lính, trong đó có những người lính pháo cao xạ Trung đoàn 367.
Khi nhắc đến sự hi sinh, mất mát của đồng đội, ông Kình nghẹn ngào: “Nhiều đồng chí đã bị thương, hi sinh trong quá trình chiến đấu, nhưng được sự quan tâm, động viên của đội ngũ cán bộ chính trị, anh em đã nhanh chóng tổ chức lại đội hình chiến đấu với khẩu hiệu “Còn một người, một khẩu pháo, một viên đạn cũng quyết tâm chiến đấu đến cùng”. Cả đơn vị ai cũng thương nhớ các đồng chí hi sinh nên càng quyết tâm chiến đấu hạ máy bay địch”, ông Kình hồi tưởng.
Cựu binh Trần Xuân Kình sống vui tuổi già cùng vợ và con cháu |
"Với tôi, được góp mình vào chiến thắng Điện Biên Phủ, thời điểm lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân ta cắm trên hầm tướng De Castries vào ngày 7/5/1954 luôn là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời quân ngũ của mình”, ông Trần Xuân Kình tâm sự.
Giờ đây, những cựu chiến binh cùng vào sinh ra tử ở những chiến trường khác nhau, nhưng khi cùng nhau chia sẻ kỷ niệm chiến trường ở họ vẫn ánh lên niềm tự hào đã cùng góp vào chiến tranh của tổ quốc. Lắng nghe những câu chuyện của họ, những nhân chứng lịch sử tất cả như một thước phim quay chậm của những ngày lịch sử không thể nào quên.
Chia sẻ về kỷ niệm chiến trường - cựu binh Nguyễn Văn Lộc cũng là lính pháo cao xạ chiến trường Điện Biên Phủ năm đó cho hay: “Nếu như so về binh lính 2 bên thì ta chỉ bằng 1/10 của nó. Với lượng bom đạn dày như vậy nhưng những người lính đã không sợ chết, và chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi là bạn chiến đấu đi cùng nhau qua 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này…”.
Hay cựu binh Nguyễn Văn Chất - Phó Chủ tịch Bộ đội Trường Sơn TP. Vinh, chia sẻ về những tháng ngày chiến đấu bên thủ trưởng Trần Xuân Kình: “Ông Trần Xuân Kình là thủ trưởng trung đoàn của chúng tôi. Hôm ấy, thủ trưởng đi xe lên kiểm tra trận địa, không ngờ máy bay đánh vào đơn vị chúng tôi. Ban đầu định không đánh, nhưng thủ trưởng nói cứ đánh. Chính sự gan dạ dũng cảm và quyết tâm của thủ trưởng nên các chiến sỹ nổ súng chiến đấu đến cùng…”, ông Chất hào hứng nhớ lại.
Trở về cuộc sống đời thường, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống gia đình cách mạng. Ông Kình chia sẻ:“Trong cuộc chiến này, nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại, nhiều người để lại một phần thân thể nơi mảnh đất Điện Biên. Với tôi, qua cuộc chiến vẫn còn đến ngày hôm nay là một sự may mắn, nên dù đã tuổi cao, sức yếu, song tinh thần của “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng xứng đáng với những người đã khuất, tiếp tục truyền thụ tinh thần Điện Biên cho các thế hệ cháu con”.
Chiến tranh đã lùi xa, những người lính pháo cao xạ tham gia trận Điện Biên Phủ năm xưa người còn, người mất. Ông Trần Xuân Kình cảm thấy mình may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống khi được trở về sau bao năm chinh chiến ở khắp các mặt trận từ Bắc vào Nam. Ông Kình tâm sự: "Tôi cũng có làm thơ, lẩy Kiều, viết báo, làm đủ cách để quên đi những gì gian nan vất vả, gian truân của đời lính để cho con người thoải mái hơn. Chúng tôi cũng còn may mắn được sống sót đến ngày hôm nay để gặp gỡ, để nói lại được với thế hệ sau này…".
Là người trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch, câu chuyện thời lính của cựu chiến binh Trần Xuân Kình sống động như một đoạn phim về đời lính pháo cao xạ Trung đoàn 367.