Ngoại giao và kinh tế đều ẩn chứa văn hóa
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan |
Trả lời câu hỏi vì sao một cuốn sách được xem là kết tinh trí tuệ và tâm huyết hơn 60 năm làm công tác đối ngoại lại có cái tên dân dã “vài ngón nghề ngoại giao” - Nguyên Phó Thủ tướng cho biết:
“Cuốn sách không phải của riêng tác giả Vũ Khoan đâu, đằng sau đó là kiến thức, kinh nghiệm của hàng nghìn nhà ngoại giao. Động cơ ra sách của tôi rất đơn giản. Nghề ngoại giao có ý nghĩa hết sức lớn lao bởi nó có liên quan tới vận mệnh quốc gia, tới quan hệ với các nước rất khác nhau về chế độ chính trị - xã hội, mô hình và trình độ phát triển kinh tế, bản sắc văn hóa…
Rất nhiều người xem ngoại giao là một cái gì đó quá cao siêu, nhưng thực ra đây là một nghề. Các cụ nói “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, có tay nghề cao thì sản phẩm tốt, thu nhập cao, danh tiếng để lại. Tôi rất chú ý khía cạnh nghiệp vụ, nôm na là tay nghề. Ngoại giao có những ngón nghề như thế. Lúc đầu tôi định đặt là “kỹ năng” thôi, nhưng nghĩ sâu một chút thì nó cũng chỉ là ngón nghề. Chỉ là vài ngón nghề thôi, bởi cái nghề này cũng nhiều thứ lắm, khó kể hết được”.
“Vậy ai có ảnh hưởng lớn nhất đến con đường ngoại giao của ông?”
Bác Hồ là người thày của ngoại giao Việt Nam. Tất cả những gì trong lịch sử ngoại giao hơn 70 năm qua của Việt Nam chính là những ý tưởng, thậm chí là những kỹ năng siêu đẳng của Bác. Chính vì thế, tôi gọi ngoại giao Việt Nam là trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Tất cả chúng ta đều là học trò của trường phái đó. Càng sống lâu, làm nhiều trong ngành ngoại giao, lại càng thấy mình quá kém cỏi. Để vươn tới những tầm cao đó thật khó khăn. Chúng tôi đều hiểu thấu ở đâu đó, mình mới chỉ hiểu biết đôi chút những triết lý, nghệ thuật ngoại giao của Bác Hồ mà thôi.
Người thày thứ hai là tất cả những người đồng nghiệp của tôi. Trong đó, tôi trưởng thành được về công tác nghiên cứu ngoại giao là nhờ đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Đồng chí vốn là Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao những năm 80 của thế kỷ trước. Tôi lớn lên về nghiên cứu chính là nhờ sự lãnh đạo, chỉ bảo của đồng chí ấy. Có lần cấp trên quyết định đưa tôi về bộ phận nghiên cứu kinh tế. Tôi gặp đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, trình bày: “Tôi có biết gì về kinh tế đâu mà tổ chức bắt tôi đi làm kinh tế? Trong lớp bồi dưỡng cán bộ của Bộ Ngoại giao thì môn kinh tế tôi bị điểm thấp nhất”. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch bảo: “Vì cậu điểm thấp thì tớ mới bắt cậu đi làm kinh tế”. Tôi lại hỏi: “Sao anh lại làm ngược thế?”. Đồng chí bảo: “Vì cậu dám nói sai với ý thày thì tớ mới lấy, chứ cậu nói theo thày thì tớ lấy làm gì”.
Sau này tôi nghĩ, như vậy là cấp trên khuyến khích mình phải dám nghĩ khác, làm khác. Đó chính là tư duy đổi mới. Thế là tôi chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế của Bộ Ngoại giao. Nhờ “cái tiếng” là biết kinh tế nên đến năm 2000, tôi được điều về làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Vợ tôi rất lo, bảo tôi: “Tiền lương ông còn không biết tiêu, giờ ông phụ trách hàng nghìn tỷ đồng của đất nước, nhỡ mà tôi lại phải đi thăm nuôi ông thì làm thế nào?”. Đấy, tôi trải qua thử thách như thế, muốn trưởng thành thì phải qua thử thách các bạn ạ, phải qua thực tế rèn luyện.
*
* *
Câu chuyện trong thành công của ngoại giao lẫn kinh tế đều có dấu ấn của văn hóa được nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan minh họa bằng một câu chuyện hết sức thú vị khi ông đứng mũi chịu sào đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ khi ông là Bộ trưởng Bộ Thương mại.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan ký tặng sách cho độc giả |
Nguyên Phó Thủ tướng kể, lần đó ông sang Mỹ để trao đổi văn bản phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Trong chuyến đi ấy, ông “mất ăn mất ngủ” vì được mời phát biểu trong một bữa tiệc lớn có sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp tại Nhà Trắng. Ông phải mất cả đêm suy nghĩ nói sao để đánh trúng vào tâm lý của người Mỹ. Ông nói: “Thưa các ông, các bà! Đêm qua, tôi có một giấc mơ là đến dự một bữa tiệc long trọng. Nó đã trở thành sự thật”. Ông mới nói có thế, cả hội trường sôi động hẳn lên, vì đó là câu của lãnh tụ da đen nổi tiếng Luther King.
Ông nói tiếp: “Quý vị có thể thấy, gian tiệc này lát toàn đá cẩm thạch. Tôi có hỏi thì được biết đó chính là đá nhập từ Thanh Hóa của Việt Nam. Tôi đề nghị tất cả những doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có mặt ở khán phòng hôm nay đứng lên để bạn bè Mỹ được biết mặt, tiếp xúc và trao đổi buôn bán”...
Cứ như vậy, ông liên hệ từng đồ vật ở khán phòng để giới thiệu các mặt hàng nổi bật của Việt Nam. Kết thúc bài phát biểu, ông nói: “Ở đoạn cuối giấc mơ đêm qua, tôi có vinh dự mời các bạn lên máy bay Boeing để đến thăm Việt Nam và gặp gỡ những cô gái xinh đẹp trong tà áo dài ở sân bay (trong chuyến sang Mỹ lần đó, Việt Nam mua 2 chiếc Boeing 777 - TG)”.
Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trưởng thành từ một phiên dịch của đại sứ quán, từng trực tiếp phiên dịch cho Bác Hồ, các nhà lãnh đạo cao cấp như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, cho đến khi là Phó Thủ tướng, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác đối ngoại, với ông Vũ Khoan, kinh tế và thương mại là lĩnh vực nhiều duyên nợ. Nói về Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, ông Vũ Khoan bảo, ông không phải là người khởi đầu nhưng lại là người kết thúc. Hiệp định đưa kim ngạch buôn bán của Việt Nam với Hoa Kỳ từ 700 triệu USD tăng lên đến con số hàng chục tỷ USD.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: “Bác Hồ là người thày của ngoại giao Việt Nam. Tất cả những gì trong lịch sử ngoại giao hơn 70 năm qua của Việt Nam chính là những ý tưởng, thậm chí là những kỹ năng siêu đẳng của Bác. Chính vì thế, tôi gọi ngoại giao Việt Nam là trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Tất cả chúng ta đều là học trò của trường phái đó”. |