Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu
Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5124/VPCP-TH ngày 18/7/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh, kiến nghị về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu.
Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh, kiến nghị về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu |
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ có Báo cáo số 2692/BC-VPCP ngày 10/7/2024, trong đó tóm tắt bài viết "Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu" đăng trên Báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 5/7/2024 như sau: Trước những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, để minh bạch và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, thành viên Nhóm tham vấn hiến kế kinh tế vĩ mô quốc gia và hội nhập quốc tế cho rằng, cần xem xét áp dụng mô hình sàn giao dịch xăng dầu.
Việc thành lập sàn kinh doanh xăng dầu có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Khi sàn kinh doanh xăng dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng dầu.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế cho biết, trong bối cảnh thị trường xăng dầu hiện nay, dù vẫn còn độc quyền Nhà nước nhưng về cơ bản có cả tư nhân tham gia bán lẻ nên vẫn có thể lập sàn được. Hơn nữa, trong Nghị định mới đã cho phép một doanh nghiệp bán lẻ có thể mua được hàng từ nhiều đầu mối thì quy định đó đã tạo tiền đề cho việc lập sàn.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu thông tin, báo chí phản ánh, kiến nghị về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, trên cơ sở đó có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2024.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) thông tin, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đã kiến nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP theo hướng thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh thông qua Sở Giao dịch hàng hóa ở Việt Nam để bảo hiểm giá khi tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, sử dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh sẽ phòng ngừa rủi ro biến động giá xăng dầu trên thị trường quốc tế và thị trường trong nước. Theo MXV, trên thế giới, việc sử dụng công cụ, nghiệp vụ phái sinh để bảo hiểm rủi ro cho giá hàng hóa đã diễn ra từ rất lâu và sôi động tại hầu hết các quốc gia phát triển. Sự kiện giá dầu biến động thời điểm đầu tháng 12/2021 là một trong số những minh chứng thực tế cho điều này. Thời điểm đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm giá bằng các Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, Hợp đồng quyền chọn ở vùng giá 65 - 70 USD/thùng, nhờ đó tiết kiệm được 40-50% chi phí giá vốn so với việc không thực hiện bảo hiểm giá.
Bên cạnh đó, việc có các công cụ bảo hiểm giá sẽ đảm bảo và duy trì vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành kinh doanh có điều kiện thông qua các công cụ thị trường.
Cụ thể, Mục 3, Chương II, Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 từ Điều 63 đến Điều 73 về Mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa đã quy định về các công cụ phái sinh được giao dịch trên Sở Giao dịch Hàng hóa ở Việt Nam (bao gồm Hợp đồng kỳ hạn và Hợp đồng quyền chọn), quyền sử dụng công cụ, nghiệp vụ phái sinh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được luật hóa vào các văn bản dưới Luật; khẳng định quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, duy trì sự quản lý, điều tiết thị trường của nhà nước đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện này.