Thứ tư 14/05/2025 04:21

Nghị quyết 68: Thêm động lực cho thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ nhờ lực đẩy từ khu vực tư nhân và kỳ vọng vào Nghị quyết 68 với các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Cổ phiếu của doanh nghiệp tư nhân lớn dẫn dắt thị trường

Đà tăng của thị trường chứng khoán từ đầu tháng 5/2025 tới đây không chỉ cho thấy sức khỏe của nền kinh tế nói chung đang tốt lên mà còn là chỉ dấu cho niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường đã thêm phần bền vững.

Thực tế, sau đợt điều chỉnh mạnh trong tháng 4/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận sự hồi phục tích cực trong nửa đầu tháng 5. Chỉ số VN-Index đã vượt mốc 1.260 điểm, với 4/5 phiên giao dịch trong tuần từ 5-9/5 đóng cửa trong sắc xanh, nhờ tâm lý hứng khởi từ việc hệ thống KRX chính thức hoạt động. Gần nhất, 2 phiên giao dịch đầu tuần này đã ghi nhận mức tăng đáng kể và thị trường đang chinh phục trở lại mốc 1.300.

Thị trường chứng khoán đang phản ánh kỳ vọng rằng khu vực tư nhân sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Ảnh minh hoạ

Đóng cửa phiên 12/5, VN-Index tăng 15,96 điểm (+1,26%), qua đó leo lên mức 1.283,26 điểm. Và kết thúc phiên giao dịch ngày 13/5, VN-Index tăng 10,17 điểm (+0,79%), lên 1.293,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 952,5 triệu đơn vị, giá trị 23.894,9 tỷ đồng, tăng hơn 5% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 49 triệu đơn vị, giá trị 1.165,6 tỷ đồng. Giới phân tích nhận định, sự hồi phục của thị trường được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp tư nhân lớn. Theo báo cáo của Dragon Capital, lợi nhuận sau thuế của 80 doanh nghiệp họ theo dõi đã tăng 22,1% trong quý I/2025, đánh dấu quý có lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2022 .

Phân tích kỹ hơn vai trò của doanh nghiệp tư nhân lớn và cổ phiếu của các doanh nghiệp này trên sàn chứng khoán Việt Nam, bà Cao Thị Ngọc Quỳnh - Giám đốc Khối Khách hàng Tổ chức- Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT bày tỏ: Diễn biến hiện tại cho thấy cổ phiếu của một số doanh nghiệp tư nhân lớn thực sự là đầu tàu và trụ đỡ cho thị trường chứng khoán, tiêu biểu như các cổ phiếu nhóm Vingroup. Trong bối cảnh VN-Index đi ngang từ đầu năm đến nay, 3 cổ phiếu nhóm này đã đóng góp thêm trên 90 điểm cho thị trường. Ngoài ra, cổ phiếu của một số doanh nghiệp tư nhân lớn cũng có diễn biến tích cực từ đầu năm như nhóm ngân hàng tư nhân (Techcombank, Sacombank, SHB), nhóm cổ phiếu Gelex, nhóm cổ phiếu thuộc Tập đoàn Thành Thành Công... Các cổ phiếu này đều có mức tăng trưởng ấn tượng từ 30% đến trên 100%.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuận, chuyên gia phân tích tại một công ty chứng khoán lớn, nhận định: Thị trường đang phản ánh kỳ vọng rằng khu vực tư nhân sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính khi bối cảnh kinh tế vĩ mô dần ổn định. Việc nhiều mã cổ phiếu tư nhân tăng trở lại không chỉ là tín hiệu kỹ thuật mà còn phản ánh niềm tin vào sức bật nội tại của khu vực này.

Dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán

Theo các chuyên gia kinh tế, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn còn khá lớn, nhất là khi áp lực lạm phát được kiểm soát và tỷ giá ổn định trở lại. Lãi suất điều hành tiếp tục duy trì ở mức thấp, trong khi Chính phủ đang thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tạo hiệu ứng lan tỏa tới các ngành sản xuất và dịch vụ. Đây chính là môi trường thuận lợi để dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán, vốn đã “đóng băng” trong phần lớn tháng 4 bởi tâm lý thận trọng. Nhưng hơn cả, đó chính là niềm tin của thị trường vào các chỉ đạo, định hướng chiến lược, cụ thể là Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Trong bối cảnh kinh tế tư nhân được khẳng định vai trò quan trọng trong giữ nhịp tăng trưởng, đặc biệt những doanh nghiệp lớn được xác định là những cánh chim đầu đàn không chỉ cho thị trường chứng khoán mà cho cả nền kinh tế, thì sự ra đời của Nghị quyết được xem là “liều thuốc tăng lực” đáng kể.

Theo bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, có sự thay đổi rõ nét về quan điểm chỉ đạo đối với kinh tế tư nhân trong những phát biểu của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ban, ngành gần đây và cụ thể hóa bằng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Nghị quyết 68 đã khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia, đồng thời nêu rõ việc mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia. Nhà nước chủ động có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm.

Từ tinh thần của Nghị quyết, chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, sẽ có nhiều động lực hơn cho thị trường chứng khoán phát triển trong năm 2025 và những năm tiếp theo. “Chúng tôi đánh giá các doanh nghiệp thuộc những nhóm ngành như năng lượng, vật liệu xây dựng, hạ tầng và công nghệ sẽ hưởng lợi và có những đột phá khi được hưởng các chính sách ưu tiên phát triển cũng như được tham gia vào các dự án lớn của quốc gia như dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, các dự án năng lượng tái tạo và các dự án chuyển đổi số… Ngoài ra, với việc Chính phủ đang thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại hơn 2.200 dự án với tổng số vốn gần 6 triệu tỷ đồng sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng của các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và xây dựng…”- bà Quỳnh nhấn mạnh.

Nói về tương lai xa hơn của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn, bà Cao Thị Ngọc Quỳnh cho rằng, Nghị quyết 68 sẽ mở đường cho các cải cách thể chế được mong đợi từ lâu như bảo vệ quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, nhất là trong đấu thầu và tiếp cận đất đai, tín dụng. Nghị quyết cũng sẽ giúp khơi thông các nguồn lực xã hội hoá, đặc biệt trong hạ tầng số, năng lượng và logistic, vốn là những lĩnh vực mà khu vực tư nhân thường bị cản trở bởi thủ tục hành chính.

Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh: Nghị quyết 68 được triển khai đồng bộ, hiệu quả có thể giúp xây dựng một hệ sinh thái khu vực tư nhân ba tầng, gồm các tập đoàn lớn dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vệ tinh và các startup đổi mới sáng tạo. Định vị khu vực này trở thành trụ cột trung tâm của nền kinh tế Việt Nam đến năm 2045.

Duy Minh
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường chứng khoán

Tin cùng chuyên mục