Chất keo gắn kết
Song song với đối ngoại, hoạt động đối nội được đánh giá ngày càng có vai trò to lớn trong việc tạo dựng khối đại đoàn kết, xây dựng văn hóa và hình ảnh trong DN.
Văn hóa nội bộ là một tài sản vô hình bao gồm các giá trị cốt lõi, tầm nhìn, mục tiêu, văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong DN và mối quan hệ gắn bó giữa DN với nhân viên và giữa nhân viên với nhau. Đặc biệt, với những DN lớn, có số lượng cán bộ công nhân viên lên đến con số hàng trăm, hàng nghìn người thì văn hóa nội bộ lại càng trở nên cần thiết, đóng vai trò như một chất keo kết nối, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân viên và DN, tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh và vững chắc.
Xây dựng văn hóa tốt đẹp trong nội bộ là chìa khóa tạo nên sự vững mạnh của doanh nghiệp |
Văn hóa nội bộ quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ tốt giữa các phòng/ban trong DN, các công ty con trong một tập đoàn, quan hệ giữa cấp lãnh đạo quản lý với nhân viên và giữa các nhân viên với nhau để toàn DN đều có chung một hướng nhìn, một ý chí phát triển.
Đầu tiên, việc chú trọng phát triển văn hóa nội bộ cùng các hoạt động nội bộ thú vị và hấp dẫn sẽ tạo ra môi trường làm việc hứng khởi, thân thiện trong DN, thúc đẩy khả năng sáng tạo, thi đua. Ngoài ra, nó tăng cường sự gắn kết giúp DN giữ chân người tài và là sức hút hấp dẫn đối với các nhân sự mới.
Hơn thế nữa, đó còn là chìa khóa nắm giữ sự trung thành của khách hàng. DN có những nhân viên tốt, được đào tạo kỹ năng giao tiếp đạt tiêu chuẩn, có môi trường làm việc tích cực sẽ truyền tải được ý nghĩa, sứ mệnh của mỗi sản phẩm, dịch vụ đến với khách hàng. Sức mạnh nội bộ từ trong DN lan tỏa ra cộng đồng cũng giúp tạo ra ấn tượng tốt với bên ngoài và khiến tăng cường lượng khách hàng trung thành của DN.
Văn hóa nội bộ góp phần rất quan trọng trong việc tạo dựng và phát triển hình ảnh của doanh nghiệp. Có một điều mà doanh nghiệp ít để ý tới là mỗi thành viên trong tập thể chính là một hình ảnh thu nhỏ của tập thể đó. Bởi vậy, các thành viên trong DN phải cùng chung tay và ý thức được tầm quan trọng của mình trong việc góp phần xây dựng phát triển hình ảnh của cả tập thể. Việc sử dụng “sức mạnh bó đũa” sẽ mang lại hiệu quả về mặt dài hạn và tiết kiệm rất nhiều chi phí khi xây dựng văn hóa, hình ảnh DN.
Người lãnh đạo cần đi tiên phong
Để có một tài sản văn hóa nội bộ DN bền vững, cần có sự phối hợp và gắn kết, củng cố văn hóa nội bộ cùng nhau. Đầu tiên phải kể đến vai trò của những người lãnh đạo. Họ là đầu tàu, là kim chỉ nam cho hướng đi của DN.
Những người lãnh đạo phải thể hiện được sự tài năng, sự nghiêm túc trong công việc, trong tuyển chọn và đào tạo nhân viên, đồng thời phải giữ một mối quan hệ gắn bó, thân thiết, chăm lo đến đời sống vật chất như chế độ lương - thưởng hay đời sống tinh thần của những nhân viên trong DN.
Nói về bí quyết thu phục nhân tâm và phát triển con người thành một tập thể gắn kết, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết: Phải coi nhân viên là con người và tạo điều kiện cho họ phát triển cả tâm, trí, lực chứ không đơn thuần coi họ là người lao động. Bởi họ chính là nguồn nhân lực lâu dài để phát triển DN.
"Là lãnh đạo đừng bao giờ nghĩ mình trả lương cho nhân viên nghĩa là họ phải làm cho mình. Cũng đừng bao giờ nghĩ mình đang nuôi nhân viên mà chính họ mới đang nuôi mình”, bà Dung nhấn mạnh.
Chú trọng văn hóa nội bộ trong DN cũng giống như việc xây chắc móng rồi mới xây nhà |
Đồng quan điểm với bà Dung, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó TGĐ Tập đoàn Hải Âu cho rằng điều cốt lõi của mỗi DN chính là nằm ở đội ngũ nhân sự, phải có chính sách đối nội khéo léo thì doanh nghiệp mới mong phát triển.
“Nếu không có những nhân sự luôn nỗ lực, cố gắng thì có lẽ khách hàng sẽ không thể biết tới những chiếc máy làm đá viên, máy làm kem hay tủ nấu cơm công nghiệp Hải Âu. Vì vậy, Tập đoàn Hải Âu rất chú trọng việc nâng cao chế độ thu nhập, phúc lợi, đào tạo và khen thưởng các nhân sự. Quan điểm của Tập đoàn Hải Âu là chỉ khi nào đối nội tốt thì mới mong đối ngoại tốt, nó cũng giống như việc xây chắc cái móng rồi mới xây nhà”, ông Quân khẳng định.
Tổng Giám đốc của CTCP Vinafco cũng từng chia sẻ: “Tài sản vô giá của bất cứ DN nào cũng đều là con người. Con người tốt, cống hiến hết mình, DNsẽ vững vàng. Và PR nội bộ đóng vai trò quan trọng trong việc giao tiếp để duy trì được mối liên kết giữa người lao động và DN. Chỉ có thấu hiểu và giao tiếp mới tạo nên sự bền vững. Trước khi nghĩ tới những kế hoạch PR, truyền thông rầm rộ bên ngoài, nên chăng các nhà quản lý DN cần ngồi lại, đánh giá hiệu quả của những hoạt động PR nội bộ. Tốt gỗ trước đã, sơn có thể chọn sau”.
Khi đất nước đang hội nhập sâu rộng cũng là lúc DN Việt Nam phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh đó, văn hóa DN với sức mạnh của một bó đũa, hình ảnh gắn kết, văn minh sẽ là “quyền năng mềm” khẳng định hình ảnh của DN trong mắt người tiêu dùng.