Thứ hai 23/12/2024 13:40

Nghệ An: Tiến độ cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt không đạt như cam kết

Thời điểm này, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An đang bị chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân.

Chưa đạt yêu cầu tiến độ

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài 49,3km, đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An dài 44,4km, qua Hà Tĩnh dài 4,9km. Tổng mức đầu tư của dự án là 11.157 tỷ đồng, hình thức thực hiện dự án theo luật PPP, hợp đồng BOT, tức là Nhà nước và nhà đầu tư cùng hợp sức bỏ kinh phí. Liên danh các nhà đầu tư trúng thầu đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng, ký hợp đồng BOT với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để triển khai dự án.

Sau gần 1 năm triển khai, tổng giá trị sản lượng thực hiện của các nhà thầu tính đến ngày 8/4/2022 là hơn 230 tỷ đồng, đạt 2,81% so với yêu cầu tiến độ là 10% giá trị hợp đồng. Nguyên nhân chủ quan của việc chậm tiến độ là do nhà thầu tập kết thi công không đủ quy mô và đúng kế hoạch; về khách quan, ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 khiến nhiều hoạt động bị ngưng trệ; việc đàm phán, thỏa thuận các điều khoản huy động vốn từ ngân hàng bị chậm lại. Giữa tháng 2 vừa qua, nhà đầu tư đã ký được hợp đồng tín dụng với các ngân hàng.

Tiến độ cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt không đạt như cam kết

Lý giải nguyên nhân chậm trễ, ông Nguyễn Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng cho hay: "Nguyên nhân để dự án chậm tiến độ có cả khách quan và chủ quan. Vừa qua, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã lập lại tiến độ tổng thể và tiến độ chi tiết của từng gói thầu, từng mũi thi công, từng hạng mục công trình để từ đó đẩy tiến độ thi công và quyết tâm hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã cam kết với Bộ GTVT tại hợp đồng BOT đã ký kết...".

Nhiều động thái tích cực, quyết tâm đuổi kịp tiến độ của nhà đầu tư như đã huy động hàng trăm thiết bị, cùng 63 mũi thi công tại công trường. Trong đó, nhiều mũi thi công làm tăng ca, bù lại những khối lượng đã chậm. Mục tiêu là đến hết năm 2022, sẽ hoàn thành cơ bản phần nền đường, công trình thoát nước, hầm chui, một số cầu nhỏ và cầu trung.

Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Tập đoàn Cienco 4 cho hay: "Chúng tôi đã huy động toàn bộ nhân lực và thiết bị, máy móc trên toàn công trường. Đến thời điểm giờ chúng tôi cũng đã bố trí cơ bản đủ các mũi thi công, và cố gắng làm sao để đảm bảo được tiến độ đề ra của Ban quản lý dự án".

Không chỉ chậm về tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng cũng còn nhiều vướng mắc. Giải phóng mặt bằng được phê duyệt và triển khai ngay từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, vẫn đang tồn tại quá nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ.

Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Lê Phạm Hùng - Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: "Sau khi thực hiện việc chỉ đạo của tỉnh, công tác giải phóng mặt bằng đến thời điểm này trên địa bàn huyện Hưng Nguyên cơ bản hoàn thành. Đến nay 100% số hộ dân đã nhận tiền bàn giao mặt bằng…”.

Theo đó, tính đến ngày 20/4, huyện Hưng Nguyên đã giải ngân được 771/833 tỷ đồng. Tống số km mặt bằng đã giao cho chủ đầu tư là 25,77/25,88 km, số còn lại sẽ giao trước ngày 21/4/2022. Trong đó có 153 hộ tái định cư đã bàn giao mặt bằng thi công, 107 hộ đã di dời khỏi khu tái định cư. Còn 46 hộ dân còn lại đang làm nhà và tiến hành di dời. Chính quyền địa phương cam kết sẽ không làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Còn đoạn qua huyện Diễn Châu, ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch huyện Diễn Châu cho hay: "Hai tuyến cao tốc qua Diễn Châu thì cơ bản chúng tôi đã giải phóng xong mặt bằng, chỉ còn một vài điểm nhỏ chúng tôi đang chỉ đạo tích cực...".

Tìm mọi cách tháo gỡ nút thắt

Theo tìm hiểu của phóng viên, 46 hộ dân còn lại vướng mắc chưa thể bàn giao mặt bằng tại 7 khu dân cư thuộc các xã Hưng Đạo, Hưng Nghĩa, Hưng Tân, Hưng Thành và Hưng Yên Nam là bởi người dân chưa thể ra sinh sống ở khu tái định cư mới do nhà ở xây dựng chưa xong.

Nguyên nhân được người dân đưa ra là do hạ tầng các khu tái định cư cũng chưa hoàn thiện. Ông N.V.N - Người dân khu tái định cư xóm 3, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên cho hay, khu tái định cư này thi công rất chậm chạp. Bà con đang chờ hạ tầng khi nào xong bà con mới ra, ít nhất phải có nước, có điện...”.

Các đơn vị thi công tập kết thiết bị máy móc thi công trên tuyến cao tốc đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Để kịp tiến độ theo cam kết hợp đồng, các nhà thầu buộc phải thi công, trong khi đó, nhiều hộ dân chưa di dời. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống dân sinh mà còn gây vướng mắc cho các nhà thầu.

Về phía các đơn vị thi công, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chỉ huy trưởng mũi thi công Hưng Yên Nam, Công ty TNHH Hòa Hiệp cho hay:Do bàn giao mặt bằng bên tái định cư chậm. Cho nên hiện tại bàn giao rồi nhưng người dân mới bắt đầu xây dựng nhà cửa, vướng vào xóm 3 và xóm 4 của Hưng Yên Nam. Hiện tại, bên đơn vị thi công muốn tăng thêm thiết bị và giờ làm, nhưng hiện tại ban đêm thì dân chỉ cho làm ở khung giờ từ 9 đến 10 giờ trở lại...".

Ông Lưu Hữu Thung - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng, giao thông Thái Sơn nêu rõ thực trạng: "Để thi công được cầu Xuân Dương 2 và Xuân Dương 1 khó khăn nhất là đồi núi. Bắt buộc phải làm các đường công vụ, tạo các mặt bằng để đưa các thiết bị hạng nặng vào thi công. Tuy nhiên, hiện nay mặt bằng của cầu Xuân Dương 2 hầu như chưa bàn giao, do vướng cây...".

Ông Nguyễn Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng cho biết thêm: "Những vướng mắc còn lại tuy không nhiều, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến dự án. Rất mong các địa phương quyết liệt hơn nữa, đốc thúc tất cả các đơn vị phía dưới triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Chúng tôi sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ nếu các điều kiện về mặt bằng của địa phương bàn giao theo đúng tiến độ cam kết...".

Để tháo gỡ vướng mắc hạng mục còn lại, về phía chính quyền địa phương, ông Hoàng Anh Tiến - Phó Chủ tịch huyện Hưng Nguyên cho biết: "Nếu theo yêu cầu của nhà đầu tư, huyện sẽ vận động các hộ ra khu tái định cư, nếu như chưa làm nhà kịp thì có thể huyện sẽ mượn một số nhà văn hóa để cho nhân dân ở tạm. Hiện nay, các khu tái định cư cơ bản hạ tầng đã hoàn thiện...".

Theo quan sát của phóng viên, với cách làm và tiến độ như hiện tại, phải 4 - 5 tháng nữa, người dân mới có thể di dời về khu tái định cư. Cũng có nghĩa chừng đó thời gian những nhà thầu này sẽ gặp không ít trở ngại. Trước sức ép của vấn đề chậm bàn giao mặt bằng hiện nay, chính quyền huyện Hưng Nguyên khẳng định sẽ sớm bàn giao bằng nhiều giải pháp.

Báo cáo gần đây nhất của Ban quản lý dự án 6, Bộ Giao thông Vận tải, hiện tại các địa phương có dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đi qua đã bàn giao được khoảng 94,3% mặt bằng cho nhà đầu tư, còn khoảng 5km chưa đủ điều kiện bàn giao mặt bằng, trong đó 2,725km chưa thể giải phóng (huyện Diễn Châu: 835m, huyện Hưng Nguyên: 1.890m). Tuy đây không phải là con số quá lớn nhưng đó lại là những nút thắt cần được tháo gỡ để đảm bảo thi công tuyến đường, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang tới gần.
Hoàng Trinh - Ngọc Dũng

Tin cùng chuyên mục

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo: Hỗ trợ người dân làng Nủ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa

Quảng Bình: Đảm bảo cung ứng nguồn hàng hoá an toàn cho thị trường Tết nguyên đán

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp để tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Ngành Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả khuyến công, góp phần xóa đói giảm nghèo

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo