Nghệ An hiện có 44 làng nghề mây tre đan (MTĐ), nhưng trong đó 5 làng nghề hoạt động yếu kém, 8 làng nghề ngừng hoạt động. Nguyên nhân chính được chỉ ra do một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm sâu sát đến việc phát triển làng nghề.
Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Nghệ An cho thấy, tỉnh và Trung ương đang khuyến khích các làng nghề thành lập các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, HTX để làm bà đỡ chăm lo đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Các làng nghề mây tre đan đã sản xuất nhiều sản phẩm xuất khẩu cho tỉnh, đáp ứng nhu cầu lao động cho gần 3.000 lao động tại các địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội.
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động này đó là quy mô các làng nghề còn nhỏ, phân tán, vốn đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu nhãn mác và thị trường tiêu thụ. Lao động trong các làng nghề tuy được đào tạo, tập huấn nhưng nhìn chung trình độ tay nghề còn thấp, năng suất chất lượng sản phẩm chưa cao, thu nhập thấp… chưa thu hút được đông đảo lực lượng lao động ở các địa phương.
Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong, đơn vị chuyên cung ứng nguyên liệu và thu mua, xuất khẩu sản phẩm MTĐ chia sẻ: Thị trường xuất khẩu sản phẩm MTĐ đang lớn, hiện nay công ty đang xuất khẩu trực tiếp sang các nước: Anh, Đức, Ý, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Chi Lê, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, sản phẩm MTĐ hiện chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, do lao động tại các làng nghề mang tính chắp vá, ngày càng mai một; thiếu máy móc đồng bộ, nên hiệu quả lao động chưa cao, thu nhập thấp.
Hiện nay tại các địa phương có nhiều công ty, xí nghiệp hoạt động, do vậy lực lượng lao động trẻ đi làm ở các công ty, để lại người cao tuổi ở nhà làm nghề, do chất lượng lao động thấp, tay nghề kém, nên sản phẩm không đáp ứng yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, dẫn đến thu nhập thấp (bình quân từ 1,5 triệu - 1,7 triệu đồng/người/tháng).
Nguồn nguyên liệu đầu vào cao, đôi lúc không cung ứng đủ cho bà con làm… nên người lao động chán nản với nghề MTĐ. Các địa phương chưa quan tâm chế độ phụ cấp cho ban quản lý làng nghề, nên hoạt động chưa hiệu quả.
Giải pháp được đặt ra để phát triển làng nghề, làng có nghề MTĐ trong thời gian tới tại Nghệ An, phía doanh nghiệp và chính quyền địa phương và các ngành liên quan cho rằng: Trước mắt nâng cao tay nghề cho người lao động, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chú trọng đến chất lượng, mẫu mã, nhãn mác, đầu tư công nghệ.
Cùng đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền địa phương và vai trò phối hợp của MTTQ, đoàn thể các cấp thực hiện các chính sách hỗ trợ để phát triển làng nghề, làng có nghề MTĐ. Sử dụng hiệu quả nguồn lao động tại chỗ; gắn phát triển nghề với du lịch để phát triển sản phẩm TTCN. Tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ.