Mây tre đan là ngành được Khuyến công Nghệ An hỗ trợ rất hiệu quả trong thời gian qua |
Trong giai đoạn 2002 - 2018, ngân sách cho hoạt động khuyến công ở Nghệ An trên 70 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 4,3 tỷ đồng), với các nội dung hỗ trợ chủ yếu là đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ làng nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật… Các hoạt động khuyến công đã hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất, thúc đẩy làng nghề cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác, khuyến khích các cơ sở sản xuất khai thác tốt tiềm năng ngay chính trên địa bàn. Tạo cho các cơ sở làng nghề nhận thức rõ hơn về hiệu quả của sự hỗ trợ qua nhiều hình thức như: Tìm kiếm thị trường, tham gia hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những hạn chế chưa được giải quyết. Cụ thể, đó là mức hỗ trợ còn thấp so với tổng mức đầu tư của doanh nghiệp nên mức độ ảnh hưởng chưa cao. Các chương trình khuyến công chưa lồng ghép, liên kết được với các chương trình khác. Việc phân bổ kinh phí hàng năm còn dài, ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai. Chưa xây dựng được các dự án điểm, dự án nhóm… Trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề ở địa phương còn hạn chế như thường xuyên thay đổi cán bộ phụ trách khuyến công, năng lực cán bộ chuyên trách hạn chế, kéo dài thời gian, giảm hiệu quả công việc.
Để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - đã đưa ra một số giải pháp của ngành trong thời gian tới. Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng ban để đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, phê duyệt dự toán. Có kế hoạch chương trình đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ khuyến công; tiếp tục bổ sung hoàn thiện văn bản, chính sách khuyến công nhất là ở các địa phương để ngày càng chuyên môn hóa đội ngũ và có sự thống nhất trong cả nước. Tăng cường nguồn kinh phí, huy động lồng ghép các nguồn vốn khác ngoài nguồn khuyến công. Xây dựng, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các đề án khuyến công theo chuỗi giá trị, tạo động lực cho doanh nghiệp thực hiện liên tục và đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp.
Đặc biệt, củng cố tổ chức hoạt động của Trung tâm Khuyến công và hệ thống mạng lưới dịch vụ khuyến công ở các địa phương nhằm tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong công tác hỗ trợ khuyến công. Tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm với Trung tâm Khuyến công các tỉnh bạn. Thông qua hệ thống khuyến công tạo cầu nối liên kết, hợp tác cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Xây dựng cơ sở vật chất Trung tâm Khuyến công và các chi nhánh khuyến công đảm bảo điều kiện làm việc và đáp ứng mục tiêu triển khai tại chỗ một số hoạt động đào tạo, tập huấn và tư vấn khuyến công.
Các hoạt động khuyến công đã hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất, thúc đẩy làng nghề cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ. |