Nghệ An: Khi phụ nữ làm thủ lĩnh công đoàn
Với cương vị là "thủ lĩnh" công đoàn, chị Trần Thị Tuyết - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Tâm thần Nghệ An - luôn trăn trở, tìm tòi sáng tạo những cách thức để hoạt động của công đoàn thật mới mẻ, hấp dẫn.
Chị Tuyết cho biết, đã tham gia được 10 năm, từ ủy viên đến tổ trưởng, trưởng ban nữ công và hiện tại là Chủ tịch Công đoàn, rồi thành cái "nghề công đoàn" từ lúc nào không hay. Cái nghề bị cho là "vác tù và hàng tổng" nhàm chán, toàn việc hiếu - hỷ. Nhưng như thế đâu có đúng, cán bộ công đoàn trước hết phải có cái tâm, là những người tốt, năng nổ quan tâm thực sự đến công việc, đời sống của đồng nghiệp, tuyệt đối không phải người vụ lợi và mưu đồ chức quyền.
Bác sỹ Trần Thị Tuyết thăm bệnh nhân |
"Mỗi cương vị, mỗi lĩnh vực công tác đều có những ý nghĩa riêng, công tác công đoàn đem tới cho tôi những đam mê và sự gắn bó sâu sắc hơn. Bởi lẽ, công đoàn không chỉ có nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần bảo vệ quyền lợi cho đồng nghiệp cơ quan, mà còn tham gia quản lý, sát cánh với lãnh đạo chuyên môn để nâng cao tay nghề, tinh thần, thái độ làm việc của người lao động nhằm xây dựng bệnh viện ngày một phát triển" - chị Tuyết nói.
Theo chị để duy trì thành nề nếp những hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn trước hết phải gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và không ngừng học hỏi nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là nắm vững các kiến thức pháp luật về lao động, đặc biệt là kỹ năng đối thoại, trong đó phải luôn gần gũi, sâu sát với đoàn viên, người lao động, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ kịp thời với những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của họ. Khi cán bộ công đoàn vững chuyên môn, kiến thức, lại chuyển tải đúng tiếng nói của người lao động thì chắc chắn lãnh đạo bệnh viện sẽ ủng hộ những đề xuất công đoàn.
Cũng như chị Tuyết, chị Nguyễn Thị Mai - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Khách sạn Giao tế Nghệ An - đã cùng với Ban Chấp hành Công đoàn công ty tích cực xây dựng, thương lượng và đại diện ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đặc biệt, chị Mai cùng Ban Chấp hành công đoàn đã tham mưu cho Ban Giám đốc công ty thực hiện điều chỉnh lương từng quý cho những người có tay nghề, có năng suất làm việc tốt; những người làm công việc vất vả, vượt khoán thì thưởng… Bên cạnh đó, Ban Chấp hành công đoàn công ty cũng đã thành lập quỹ vì người nghèo, số tiền này được xét cho các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất ưu đãi, số tiền tuy không lớn nhưng phần nào giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Bà NguyễnThị Thu Nhi - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An: Là nữ làm công đoàn có nhiều lợi thế, bởi trước hết họ là những người vợ, người mẹ đảm đang. Họ chính là những thủ lĩnh công đoàn tài ba, là "linh hồn" của hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp. Phát huy những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. |