Nghệ An: Học nghề để có nhiều cơ hội việc làm
Cần đổi mới học nghề
Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nghi Lộc (Nghệ An) năm nay có 200 chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp. Tuy nhiên, trường chỉ tuyển sinh được 140 chỉ tiêu, và cũng thấp hơn năm trước 50 em. Ông Lương Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Việc tuyển sinh không thuận lợi bởi nằm cạnh nhiều trường dạy nghề có quy mô của tỉnh. Trong đó, học sinh ở những xã ven thành phố, thường sẽ có xu hướng học nghề ở TP Vinh… ông Tuấn cũng thừa nhận, việc tiếp cận giữa trường nghề và các trường học trên địa bàn chưa được thường xuyên. Thế nên, hàng năm số học sinh phân luồng, số học sinh có nhu cầu học nghề, trường chưa rà soát và nắm bắt đầy đủ.
Sinh viên học nghề tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh (Nghệ An) |
"Hằng năm có hàng trăm học sinh tốt nghiệp lớp 9, nhưng cũng chỉ tuyển sinh được một phần nhỏ. Từ hơn hai năm nay chúng tôi phối hợp với Trường trung cấp Kinh tế - Công nghiệp – Thủ công nghiệp tuyển sinh hệ trung cấp đối với học sinh thuộc diện phân luồng và học sinh đang học THPT trên địa bàn. Thế nhưng, phương án này chỉ nhận được sự hưởng ứng của học sinh đang học tại Trường THPT Quỳ Châu với hình thức vừa học nghề, vừa học văn hóa", ông Bùi Hoàng Báu - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Quỳ Châu, cho biết.
Để khuyến khích việc đào tạo nghề năm 2020, tỉnh Nghệ An đã cấp kinh phí để đào tạo nghề cho hơn 11.000 chỉ tiêu với hơn 1.700 chỉ tiêu trình độ cao đẳng, gần 5.000 chỉ tiêu trình độ trung cấp và hơn 4.600 chỉ tiêu trình độ sơ cấp. Ngoài ra, tỉnh cũng đặt hơn 3.100 chỉ tiêu cho các nhà trường đào tạo tự túc kinh phí.
Nhưng đáng tiếc, hầu hết học sinh vẫn coi học nghề là sự lựa chọn thứ hai sau lựa chọn vào học đại học. Các cơ sở GDNN hiện nay, thực sự vẫn chưa biết cần làm gì khi người học còn phân vân đứng trước quá nhiều sự lựa chọn như hiện nay. Điều này đòi hỏi phải đổi mới, đa dạng các khóa học nghề từ ngắn hạn đến dài hạn. Nhà trường cùng với doanh nghiệp cùng ngồi lại tìm các khóa học kỹ năng ngắn hạn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và người học. Tiếp đó đổi mới chương trình đào tạo gắn với chuẩn đầu ra theo nhu cầu của thị trường lao động.
Với những học sinh tốt nghiệp THCS, nhà trường thay đổi trình tự thực hiện nội dung chương trình bằng cách cung cấp ngay những nội dung mang tính công cụ và nhấn mạnh thực hành, tạo ra sản phẩm thực tế nhờ kỹ năng được đào tạo sẽ là cách thu hút và giữ chân học sinh khỏi bỏ học. Những môn học văn hóa cần được thiết kế tích hợp với các môn kỹ năng nghề để bài học thêm hấp dẫn và hiệu quả, rút ngắn thời gian đào tạo.
Nhu cầu tuyển dụng cao
Việc tuyển sinh chưa hiệu quả được đánh giá với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ phía các nhà trường khi hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của người học, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nhất là đội ngũ giáo viên. Liên kết hợp tác tốt với doanh nghiệp để đào tạo kỹ năng thực hành và tạo đầu ra có việc làm cho người học với mức lương hợp lý. Nhà trường cần tự tin, chủ động đến với doanh nghiệp để quảng bá chất lượng đầu ra và nhận đặt hàng đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp.
Học sinh phân luồng tham gia học nghề tại Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An |
Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Đào tạo nghề - Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An - chia sẻ: Hiện, chất lượng lao động sau đào tạo của một số ngành nghề chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh, dịch vụ của doanh nghiệp và thị trường sử dụng lao động. Bên cạnh đó, năng lực đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, nhất là cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo còn thiếu, không đồng bộ, lạc hậu…. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, cơ cấu chưa phù hợp đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở các trường nghề.
Xunh quanh vấn đề đào tạo nghề hiện nay cũng đang có những bất cập khi cơ cấu ngành nghề giữa các trường còn chồng chéo, bố trí chưa hợp lý, chỉ tập trung vào một số nghề trọng điểm. Đặc biệt, quyền lợi giữa lao động có tay nghề và chưa có tay nghề đang được “đánh đồng” trong việc chi trả lương ở nhiều đơn vị khiến nhiều lao động không mặn mà với việc học nghề.
Từ những bất cập này, có thể nói để công tác đào tạo nghề có hiệu quả cần phải đồng bộ nhiều giải pháp, đòi hỏi lãnh đạo nhà trường năng động, tận dụng cơ hội đổi mới từ nhà trường đến việc đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, làm tốt truyền thông về GDNN trên cơ sở quảng bá chất lượng đào tạo. Muốn thu hút người học, điều căn bản nhất là học xong người học có được kỹ năng nghề thì sẽ không lo không có việc làm. Đầu ra có việc làm ổn định thì đầu vào mới có thể tuyển sinh tốt được.