Nghệ An: Gói 26.000 tỷ đồng ‘tiếp sức’ cho doanh nghiệp, lao động vượt qua đại dịch
Hàng chục nghìn lao động được hỗ trợ
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An đã chủ trì, phối hợp ban ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng thời, đã ban hành quyết định về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác trên địa bàn tỉnh này…
Nghệ An đang triển khai chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 |
Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, tính đến cuối tháng 8, trên địa bàn đã triển khai thực hiện được 10/12 chính sách. Theo bà Hồ Thị Châu Loan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, để triển khai thực hiện kịp thời, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với cổng thông tin điện tử tỉnh thực hiện chuyên mục "Dân hỏi - cơ quan chức năng trả lời". Ngoài ra, Sở đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Nghệ An tổ chức buổi đối thoại trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp (DN)…Một số địa phương như P Vinh, Con Cuông,Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Diễn Châu...đã linh hoạt triển khai khá nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách. Theo đó, đến thời điểm này đã có 10/12 chính sách được thực hiện; tổng số đối tượng được phê duyệt hỗ trợ 6 đợt là 2.256 lượt, trong đó: 1.570 người thụ hưởng trực tiếp, hỗ trợ bổ sung cho phụ nữ mang thai và trẻ em là 686 người...
Tuy nhiên trong quá trình triển khai gói chính sách hỗ trợ cho các đối tượng, nhất là hộ kinh doanh, lao động tự do chưa kịp thời, chưa làm thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của người dân. Chia sẻ về vấn đề này, bà Hồ Thị Châu Loan cũng cho biết, khó khăn lớn nhất là dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, tỉnh Nghệ An có 14 huyện, thành phố, thị xã áp dụng Chỉ thị 16, trong đó có một số địa phương như thành phố Vinh áp dụng Chỉ thị 16 nâng cao và 7 huyện, thị xã áp dụng Chỉ thị 15. Do đó, đã bị gián đoạn trong giai đoạn triển khai.
Chính sách đã có và thời gian thực hiện chính sách không bị bó hẹp, cho nên các đối tượng trong diện được hỗ trợ nếu đủ điều kiện thì đều được hỗ trợ. Và để đảm bảo tính kịp thời hỗ trợ các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm và quyết liệt thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa chống dịch, vừa tập trung rà soát, thẩm định, trình tỉnh để thực hiện với quan điểm hỗ trợ tối đa nhất, kịp thời nhất cho các đối tượng đủ điều kiện được thụ hưởng, bà Hồ Thị Châu Loan, khẳng định.
Doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
Theo UBND tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh này có 5.518 DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong đó, chỉ có 22 DN có nhu cầu vay vốn với số tiền 4,3 tỷ đồng để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, kinh doanh cho 1.089 lượt lao động.
Đại diện chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An cho hay, thời gian qua dù nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, thế nhưng bằng các giải pháp công nghệ thông tin, email, các ứng dụng trên điện thoại Zalo… vẫn tích cực giải đáp, giúp đỡ người sử dụng lao động tìm hiểu chính sách vay vốn này và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay vốn để kịp thời giải ngân, giúp người sử dụng lao động có nguồn vốn trả lương cho lao động ngừng việc. Đến ngày 23/8, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nghệ An đã hoàn tất thủ tục giải ngân cho 7 DN vay, tổng số tiền được giải ngân trên 1,2 tỷ đồng cho 518 lượt lao động. Trong đó, có 3 DN vay vốn để trả lương ngừng việc và 4 DN phải tạm dừng hoạt động.
Gói vay ưu đãi để trả lương cho lao động, với lãi suất cho vay 0%, và không cần tài sản bảo đảm của Ngân hàng CSXH tỉnh NA đã giúp Công ty CP Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông) - công ty đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao thời gian vừa qua, trong việc trả lương ngừng việc cho 8 lao động trong vòng 3 tháng |
Là 1 trong 7 doanh nghiệp đầu tiên được giải ngân vốn vay ưu đãi, Ông Phan Xuân Diện Giám đốc Công ty Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông) – chuyên sản xuất sản phẩm trà túi lọc, cho biết đây là một chính sách rất quan trọng và kịp thời của Chính phủ để hỗ trợ các DN trong lúc dịch bệnh vô cùng khó khăn này. Ông Diện chia sẻ, “Do dịch bệnh kéo dài, chúng tôi đã rất nỗ lực xoay chuyển các chiến lược, mô hình hoạt động của công ty cho phù hợp nhưng người lao động trong công ty vẫn gặp rất nhiều khó khăn, có thời điểm bắt buộc công ty phải cắt giảm số công nhân làm việc xuống còn một nửa, dây chuyền sản xuất đã phải tạm ngừng hoạt động đến 3 tháng. Trong kho, thì hàng hoá tồn lên đến 40%, doanh thu sụt giảm 50%.
Gói vay ưu đãi để trả lương cho lao động, lãi suất cho vay 0%, và không cần tài sản bảo đảm của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giúp đỡ DN rất nhiều trong việc trả lương ngừng việc trong vòng 3 tháng. Hiện nay, công nhân đã đi làm trở lại bình thường. Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Ngân hàng, DN như được tiếp thêm sức mạnh. Chắc chắn rằng, việc triển khai rộng rãi Nghị Quyết 68 của Chính phủ sẽ giúp nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19 được tiếp cận nguồn vốn để vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, về phía DN mong muốn gói hỗ trợ này giải quyết chi trả lương cho công nhân kéo dài 6 tháng và thời gian vay là 24 tháng để DN có thêm thời gian tái đầu tư, sản xuất lại…”, ông Diện kiến nghị.
Bên cạnh đó, theo một số DN, thì trong quá trình triển khai các DN đều phản ánh gặp khó khăn do không cung cấp được "Thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020". Cùng với đó là các DN hầu như là DN nhỏ và siêu nhỏ nên số lao động ít. Đơn cử như huyện Con Cuông, khảo sát 30 DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chỉ 1 DN được nhận hỗ trợ. Nguyên do, nhiều DN chỉ có 1-2 lao động, trong đó có 1 lao động là chủ DN lại không thuộc đối tượng được vay trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nghệ An cho biết, đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho những DN đang có khó khăn vướng mắc về thủ tục nêu trên. Cùng với đó, Chi nhánh đang tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng hoàn thiện các thủ tục vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất - kinh doanh cho người lao động theo chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).