Nghệ An: Cần thiết xây dựng trung tâm dịch vụ logistics
Chú trọng xây dựng hạ tầng logistics, đầu tư công nghệ, liên kết mạng lưới các doanh nghiệp… đã và đang là những giải pháp mà tỉnh Nghệ An triển khai nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy logistics phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hạ tầng logistics Nghệ An đang ngày càng hoàn thiện. Nói đến hạ tầng logistics phải nói tới hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông, bến cảng, sân bay… Có thể thấy, hạ tầng giao thông Nghệ An hiện đang dần hoàn thiện, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo đường bộ đã được thực hiện và làm thay đổi đáng kể bộ mặt giao thông của cả tỉnh.
Nghệ An hiện đã có cảng biển chuyên dùng The Vissai với cầu cảng dài 2.000m vươn ra biển, có thể tiếp nhận tàu 70.000 tấn; cảng kho xăng dầu DKC gồm 2 tổng kho và 2 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu hàng từ 10.000 - 50.000 tấn. Khu bến cảng Cửa Lò với chức năng là bến cảng tổng hợp phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Đông Nam và vận chuyển hàng hóa cho các tỉnh lân cận trong khu vực Bắc Trung bộ và là một trong các cửa ngõ tiếp chuyển hàng hóa cho Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan…. Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế TP. Vinh cũng ngày càng hỗ trợ cho hoạt động logistics.
Tỉnh Nghệ An bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hơn 200 tỷ đồng để xây dựng mới tuyến đường gần 1km nối từ QL46 xuống bến cảng số 5, số 6 |
Theo thống kê, trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm có 1.321 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng trong số này doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics rất hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia đều có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực.
Nhiều hạn chế được xem là “điểm nghẽn” trong chuỗi logistics tại Nghệ An, được các doanh nghiệp cho biết đó là hạ tầng logistics, hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn Nghệ An vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu chuyên dụng (như kho lạnh, kho bảo quản hàng hóa đặc biệt…); việc giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển trung tâm logistics gặp khó khăn. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển dịch vụ logistics, trong kết nối giữa các loại hình dịch vụ vận tải...
Nguyên nhân chủ yếu vẫn do nguồn vốn bố trí cho đầu tư hạ tầng giao thông hạn chế, quy mô nhỏ, chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chưa nhiều, mối liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logsitcis chưa chặt chẽ, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn, năng lực quản lý hạn chế, chưa được đào tạo bài bản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để khắc phục “điểm nghẽn”, phá “rào cản” phát triển logistics, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho rằng, trước hết cần tạo điều kiện để phát triển hạ tầng kho hàng, hệ thống bến bãi, cảng sông, cảng cạn... Tăng cường áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các dịch vụ logistics.
Về phía doanh nghiệp tham gia chuỗi logistics, ông Nguyễn Khắc Trường - Giám đốc Công ty Toàn Cầu chi nhánh nghệ An - cho rằng, Nghệ An cần nhiều trung tâm logistics, nhiều kho hàng, bến bãi hơn nữa. Nhưng quan trọng nhất là tính liên kết của các yếu tố trong chuỗi logistics, việc kết nối các phương thức vận tải, các chủ thể hoạt động để giảm chi phí logistics và giúp hoạt động này trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Cũng theo ông Cao Minh Tú, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến phát triển hạ tầng logistics và xem là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong giai đoạn 2022-2025. Hiện ngành Công Thương đã xây dựng xong dự thảo nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn đến năm 2025.
Với đề án này, mục tiêu là phát triển Nghệ An trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực Bắc Trung bộ, nhất là đẩy mạnh kết nối lưu thông hàng hoá tới các tỉnh thuộc hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar.
Về cơ sở hạ tầng, Nghệ An sẽ xây dựng cảng Cửa Lò có trọng tải từ 30.000 DWT trở lên để nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải thông qua hệ thống cảng biển. Tiếp tục nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh, nâng cấp một số ga chuyên vận tải hàng hoá. Xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế Đông Nam với diện tích khoảng 20ha, và Khu kinh tế Đông Hồi. Tiếp tục hoàn thiện phát triển hệ thống kho bãi, trang bị đầy đủ các thiết bị xếp dỡ để thu gom hàng lẻ, tập trung đóng hàng vào container, xuất khẩu bằng đường biển một cách thuận lợi.
Để tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động vận tải và dịch vụ logistics, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về hoạt động vận tải biển và dịch vụ logistics diễn ra mới đây, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đang rà soát và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, nâng cao năng lực doanh nghiệp, phát triển dịch vụ logistics và dịch vụ vận tải kho bãi.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng hạ tầng vận tải biển và dịch vụ logistics, Nghệ An cũng có báo cáo kiến nghị Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo và có định hướng cụ thể trong việc Quy hoạch xây dựng 1 trung tâm logistics tại Nghệ An giai đoạn 2020-2030. Từ đó, quan tâm hỗ trợ về mặt kinh phí để Nghệ An tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng, bến thủy nội địa, cũng như tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ logistics trên địa bàn; sớm triển khai tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (Lào) qua đó kết nối cửa khẩu Thanh Thủy với nước bạn Lào.