Nghệ An: Buổi sáng nhộn nhịp ở bến cá Nghi Thuỷ - Cửa Lò
Mỗi sáng, hàng trăm thương lái có mặt tại bến cá Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lò(Nghệ An) để đón hàng từ hơn 100 tàu trung chuyển. Do bến hẹp, hầu hết tàu công suất trên 450 CV phải đậu ở cảng biển cách đó vài km rồi dùng tàu trung chuyển đưa cá vào bờ.
5h sáng là thời điểm cảng cá Nghi Thuỷ trở nên ồn ào, đông đúc nhất. |
Ông Võ Văn Tuất - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Phường Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lòcho hay, hiện Nghi Thuỷ có với 110 tàu thuyền, trong đó có 46 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại đánh bắt gần bờ, 4 tàu có công suất 800 CV trở lên, còn lại từ 350-600 CV.
Trên bến cá từ tờ mờ sáng vẫn tấp nập, xôn xao tiếng cười nói của những người mưu sinh trên bến cá. Người đưa cá từ tàu, thuyền tấp nập vào bờ; người vận chuyển tôm, cá, mực từ thuyền lên; người phân loại hải sản, người cân hàng… sôi động cả một vùng. |
Nghi Thuỷ được xem như một “thủ phủ” của Cửa Lò về hải sản biển. Từ sáng sớm, cảng cá Nghi Thuỷ nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Những chuyến xe sau khi đã đầy hàng lại hối hả ngược lên thành phố hay nhiều vùng quê khác trong và ngoài tỉnh để đưa những loài hải sản tôm cá tươi sống đến với người dân. Đặc trưng của vùng biển là đất chật người đông, nên những dãy nhà cao sang, những con đường bê tông sạch đẹp của bà con nơi đây, tất cả đều nhờ vào ngư nghiệp.
Khoảng 6h sáng, sau khi cá được vận chuyển lên bờ, rất đông thương lái đến thu mua. Cá được chuyển lên xe đông lạnh, vào Nam, ra Bắc tiêu thụ. |
Mùa nào cũng vậy, ngày làm việc mới ở cảng cá Nghi Thuỷ bắt đầu từ 1-2 giờ sáng. Khi trời chưa rõ mặt người, từng tốp người già có trẻ có đã đổ về cảng cá để chuẩn bị cho công việc thường nhật. Vất vả là thể, nhưng với họ, việc mưu sinh vẫn là ưu tiên số một.
Giao dịch mua bán diễn ra rất nhanh để lái buôn chủ động thời gian trung chuyển hàng hóa đi các tỉnh thành và một phần, các thương lái trong tỉnh thu mua, bán lẻ ở các chợ huyện. |
Ngay dưới bến, những chiếc thuyền, tàu nối đuôi nhau cập cảng mang theo đầy ắp cá, tôm, mực…. Từng tổ bốc vác hầu hết là phụ nữ trung niên ra tận sát mép nước nhận cá từ tàu, thuyền rồi vội vã mang lên bờ. Không khí khẩn trương, gấp gáp của họ dường như, ai cũng sợ chỉ cần chậm chân một chút, thu nhập của một ngày làm việc sẽ giảm đi.
Những người phụ nữ nhanh tay vận chuyển hải sản lên bờ. |
Gần 4 giờ sáng, cảng cá Nghi Thuỷ đã nhộn nhịp hẳn lên. Tàu cá vẫn ra vào tấp nập. Hàng tấn cá tươi rói lần lượt được bốc từ trong khoang cách con tàu xuống bán cho các thương lái chờ sẵn trên bờ.
Giá cả cũng dao động tuỳ theo mùa và loại hải sản. Tôm, mực hay cá lúc nào cũng có. |
Nguồn hải sản ở đây tươi sống, bắt cách đất liền không xa, hoặc các tàu đánh bắt đêm. Cảng cũng là nơi neo đậu phương tiện của ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản trở về.
Chợ cá Nghi Thủy là điểm đến của nhiều du khách. Họ mua hải sản tươi sống về làm quà, do đó, dịch vụ đóng gói hải sản hút chân không khá "hút" khách. |
Mùa này, cá chưa nhiều và cũng chưa phải mùa vụ chính (tháng 7-8 âm lịch mới vào chính mùa cá) nhưng nhiều tàu đánh bắt khơi xa vẫn cập bến để bán cá. Cá cập cảng mùa này khá đa dạng như cá nục, cá thu, cá mú, cá bạc má, mực ống, mực nang, tôm, và nhiều loại cá vặt khác...đôi khi được một vài loại cá đặc biết khác… tất cả đều rất tươi ngon. Hải sản khu vực miền Trung được đánh giá là ngon nhất cả nước.
Cách bến vài chục mét là các cửa hàng thu gom để bán lại cho thương lái hoặc khách du lịch. |
Anh Nguyễn Văn Biên, thuyền trưởng một tàu cá ở Nghi Thuỷ cho biết, tàu thuyền ở đây chủ yếu là đánh cá nổi như cá bạc má, cá nục... và bắt đầu hành trình từ chiều hôm trước và cập bến vào sáng sớm hôm sau. Nếu gặp tàu tiếp dầu trên biển có thể bán cá luôn rồi đánh bắt tiếp.
Từ 6h sáng các bếp nướng bắt đầu đỏ lửa. Những phụ nữ làng biển lại tất bật với công việc nướng cá. Trung bình, mỗi ngày, 1 lò nướng hoạt động hết công suất với hàng tạ cá tươi, từ cá nục, cá trích đến cá thu. |
Dù gặp khá nhiều khó khăn, thế nhưng sản lượng năm nay vẫn không giảm so với những năm trước, số lượng tàu thuyền ra khơi ở Nghi Thuỷ vẫn đều mặc dù giá nguyên liệu vẫn tăng, bạn thuyền khó kiếm và nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt. Một mặt, các ngư dân lành nghề ở đây biết tiết kiệm chi phí và đánh bắt hiệu quả hơn. “Dù thế nào chăng nữa cũng phải bám biển đến cùng, vì nghề đánh bắt là truyền thống của cha ông để lại. Hơn nữa phải tạo được công ăn việc làm cho bà con hậu cần nghề cá để họ có cái nuôi sống gia đình họ, nhờ đó giữ được nghề, có miếng cơm cùng nhau...”, anh Biên vui vẻ nói.
Cá thu nướng là đặc sản hấp dẫn du khách không thể bỏ qua khi đến với thị xã biển Cửa Lò. |
Anh Nguyễn Cảnh Quang (58 tuổi) ở Khối 6 phường Nghi Thuỷ gần cả đời người gắn bó với cảng cá này. Đã thành lệ, cứ 1 giờ sáng mỗi ngày anh đều có mặt ở cảng cá, anh Quang nói “Công việc phụ thuộc vào thuyền cá, ngày ít thì 4-5 chuyến, ngày nhiều có khi vận chuyển 15-20 chuyến, cũng không quá vất vả, thu nhập cũng tạm ổn để nuôi gia đình…”.