Thứ bảy 28/12/2024 12:41

Ngày Nhà giáo Việt Nam: Gặp những “người đưa đò” đặc biệt với hành trình gieo chữ, chữa lành

Họ cũng từng là những đứa trẻ kém may mắn, khuyết tật. Vượt lên những rào cản khó khăn, trở thành những giáo viên, họ viết tiếp hành trình gieo chữ, chữa lành.

Hành trình vượt lên chính mình

Bất ngờ bị tai nạn, cậu thiếu niên Võ Công Lực (1992) bị mất một phần bàn tay, thị lực đôi mắt cũng giảm nghiêm trọng. Từ một đứa trẻ lành lặn, Lực trở thành một người gặp khó khăn trong việc nhìn và vận động, tâm lý tự ti khiến cậu cảm thấy chán nản. Gia đình đã gửi Lực đến tiếp tục theo học văn hoá tại Trường chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng (nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng).

Tại đây, Lực được học văn hoá, sinh hoạt cùng mọi người, bạn bè đều là người khiếm thị hoặc có khuyết tật nên anh dễ hoà nhập và lấy lại tinh thần trong cuộc sống cũng như nỗ lực học tập. Từ những năm là học sinh trung học phổ thông, Lực đã đặt mục tiêu sẽ thi vào ngành sư phạm để trở thành giáo viên giúp đỡ các em khuyết tật. Bằng nghị lực và sự quyết tâm, anh Lực đã thi đậu và hoàn thành chương trình sư phạm toán tin tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Thầy Võ Công Lực dạy tin học cho các em nhỏ

Anh Phạm Tấn Ba (SN 1990) bị khiếm thính ngay từ nhỏ. Kém mắn hơn những đứa trẻ lành lặn, năm 12 tuổi cha mẹ mới xin cho anh Ba ra trường Chuyên biệt tương lai để học lớp 1. Còn nhỏ, xa nhà, thời gian đầu cậu bé Ba ngày nào cũng khóc. Qua thời gian, bằng nhiều sự hỗ trợ, Ba được hỗ trợ mổ mắt nên đôi mắt đã có thể nhìn được vài phần, những đồ vật gần anh cũng cảm nhận được. Dù nhìn được ít nhiều đó cũng là niềm hạnh phúc của Ba, bản thân có thể thấy được những đồ vật mà trước nay chỉ bằng cảm nhận đôi tay. Ba cũng tự học đàn để có thể dạy thêm kiếm sống.

Còn cô gái Nguyễn Thị Hằng (SN 1994) thì không may bị khiếm thị từ nhỏ. Đôi mắt chỉ nhìn được vài phần trăm đã gây nhiều khó khăn cho Hằng. Vượt lên nghịch cảnh, cô gái nhỏ đã có 12 năm theo học Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Và không thua kém bạn bè cùng trang lứa khi thi đỗ vào ngành Giáo dục mầm non, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, bắt đầu hành trình “gieo chữ, chữa lành”.

Hành trình “gieo chữ, chữa lành”

Tốt nghiệp đại học, thực hiện điều bản thân mong muốn, anh Lực về lại Trung tâm để xin giảng dạy các em nhỏ. Thời gian đầu có những khó khăn nhất định khi trường đã có thêm nhiều em nhỏ với nhiều dạng khuyến tật khác nhau cùng học tập. Bên cạnh giảng dạy kiến thức, thầy Lực còn học thêm chữ nổi, ngôn ngữ kí hiệu cũng như các phương pháp và kỹ năng mềm để có thể truyền đạt phù hợp với từng nhóm học trò khuyến tật khác nhau.

Dần dần, việc dạy và học đều trở nên thuận lợi hơn, nhìn những học trò có nhiều tiến bộ, dù chỉ là việc các em nhớ được những con số đơn giản cũng là động lực mạnh mẽ cho anh Lực có thêm đam mê với nghề của mình. Em Trần Minh Hưng (12 tuổi), đang là học sinh lớp 3 của Trung tâm, được thầy Lực dạy môn toán và tin học. Dù bị khiếm thị, việc nhìn của em gặp khó khăn, nhưng mọi việc em đều cố gắng làm rất tốt, Minh Hưng chia sẻ: Em thích đi học lắm, thích đến đây có bạn bè, được học cùng thầy, thầy dạy em học tính toán, cũng nghiêm khắc khi em làm sai nhưng rất thương cả lớp.

“Từ đầu tôi đã xác định sẽ gắn bó với nơi này, cùng các em học tập, mong rằng có thể đồng hành giúp học trò của mình vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 6 năm qua giảng dạy tại đây, đã có nhiều em có kết quả học tập tốt, nhiều em tiến bộ, đó là động lực mạnh mẽ để tôi tiếp tục với nghề”, thầy Lực chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hằng trong một buổi dạy cho các em nhỏ

Cô gái Nguyễn Thị Hằng cũng trở lại và trở thành một giáo viên tại trung tâm dạy dạy hỗ trợ về nhận thức, vận động, dạy kỹ năng sống, giúp các em phân biệt màu sắc, hình… Cô giáo trẻ vẫn nhớ những ngày đầu dạy học, có em học sinh mỗi ngày đều không tự đi vệ sinh được và kéo dài như vậy trong nhiều tháng làm Hằng khá lo lắng. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì của bản thân, việc mỗi ngày đều dặn dò các em làm những việc giống nhau dù chỉ đơn giản nhất như rửa tay, mặc quần áo, đi dép… Mỗi ngày một ít, các học trò cũng đã dần có những tiến bộ.

“Vì đã ở đây học tập từ nhỏ nên mình dễ gắn kết với mọi người và học trò hơn. Các em học sinh tuy có những khiếm khuyết nhưng sống rất tình cảm, bởi vậy mình cũng thương, chỉ mong các em mỗi ngày nhớ được thêm được một điều mà mình đã dạy, biết được thêm một chút kỹ năng cơ bản để phục vụ bản thân là mình đã cảm thấy vui rồi”, cô Hằng bộc bạch.

Thầy Phạm Tấn Ba cũng về lại trung tâm để hỗ trợ nhà trường chăm sóc các em nhỏ, dù chỉ làm các công việc hậu cần như chuẩn bị âm thanh, loa đài… nhưng thầy Ba vẫn rất vui và hài lòng vì mình cũng góp phần vào hành trình “chữa lành” cho các em nhỏ. Thầy Ba còn dậy cho các em nhỏ trong trường về đàn hát. “Âm nhạc có thể giúp các em vui vẻ hơn”, thầy Ba chia sẻ và nói thêm “Tôi luôn nói với các em, mình học được ngày nào, học được cái gì thì mình cứ học, con người không biết trước được điều gì, sức khoẻ các em và của bản thân tôi cũng đều như nhau, vì vậy, các em cứ tận hưởng cuộc sống này, còn bản thân tôi, giúp gì được các em thì tôi luôn luôn làm”.

Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết hiện trung tâm đang có 2 giáo viên, 4 nhân viên hỗ trợ là những trẻ khuyết tật theo học ở đây từ nhỏ. Mỗi người đã đều nỗ lực hơn người bình thường rất nhiều để khắc phục trở ngại của bản thân để vươn lên và quay trở lại trung tâm cống hiến.

Tự hào là những “người đưa đò" đặc biệt, những thầy cô ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng vẫn đang cần mẫn tiếp tục hành trình “gieo chữ” truyền kiến thức và “chữa lành, xóa mờ” những tự ti giúp các em nhỏ không may bị khuyết tật cảm nhận được tình yêu thương, mạnh mẽ hơn và vượt lên chính mình.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: thành phố Đà Nẵng

Tin cùng chuyên mục

Nhân sự 27/12: Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Hà Giang, Bắc Giang có tân Phó Bí thư Tỉnh ủy

Dự báo thời tiết biển hôm nay 28/12/2024: Giữa và Nam Biển Đông có mưa rào và dông rải rác

Dự báo thời tiết hôm nay 28/12/2024: Bắc Bộ rét đậm, Trung Bộ có mưa

Báo Lao Động tổ chức tọa đàm Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát

Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang Phan Huy Ngọc giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy

10 thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành giáo dục năm 2024

Vụ ngộ độc rượu ở Vũng Tàu: Methanol cao gấp 2.353 lần

Hà Nội: Cháy quán ăn ở Hà Đông, 6 người kịp chạy thoát nạn

Ngành Lao động - Thương binh - Xã hội: Cần bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế cho người dân

Bắc Giang bầu Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Nguy cơ từ thiết bị bay siêu nhẹ, Bộ Quốc phòng đưa ra giải pháp gì?

Nhân sự 26/12: Thủ tướng giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; tỉnh Kiên Giang có tân Chủ tịch HĐND

Dự báo thời tiết biển hôm nay 27/12/2024: Vùng biển quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 27/12/2024: Bắc Bộ rét về đêm và sáng sớm, Nam Bộ có mưa

LogiChain 2024: Góp sức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành logistics

Tối 26/12, lại tìm thấy khách hàng trúng tiền tỷ Vietlott Power 6/55

Truyền thông quốc tế đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng

Công đoàn VEAM: Điểm tựa cho người lao động

Bộ Nội vụ thông tin về việc bổ sung biên chế giáo viên

Doanh nghiệp da giày, dệt may thưởng Tết Nguyên đán 2025 ra sao?