Ngày này năm xưa 4/10: Tròn 10 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 4/10.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
- Ngày 4/10/1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành chính sách tôn giáo. Chính sách gồm các nội dung sau: Tôn trọng tự do tín ngưỡng, mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng; đoàn kết nhân dân không phân biệt giáo, lương để kháng chiến kiến quốc. Phá tan âm mưu của địch lợi dụng tôn giáo chia rẽ dân tộc, kiên quyết trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo hành động phản quốc, hại dân; cải thiện đời sống, nâng cao trình độ chính trị văn hóa của đồng bào các tôn giáo.
- Ngày 4/10/1996, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 369/1996/QĐ-TTg, lấy ngày 4/10 hàng năm là “Ngày phòng cháy, chữa cháy toàn dân”. Luật Phòng cháy chữa cháy ban hành năm 2001 quy định lấy ngày 4/10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”. Những quyết định và điều khoản quy định trong luật này được đưa ra dựa trên Pháp lệnh quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 4/10/1961.
Ngày 4/10 là Ngày phòng cháy, chữa cháy toàn dân |
- Ngày 4/10/1997, Nhà máy Sản xuất khí hóa lỏng (LPG) Dinh Cố đầu tiên của Việt Nam được khởi công xây dựng theo hợp đồng ký ngày 4/9/1997 giữa Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí (tiền thân của PV GAS) và Tổ hợp Samsung Engineering Company Ltd. (Hàn Quốc) cùng Công ty NKK (Nhật Bản) dưới sự tư vấn của Công ty Brown & Roots, bằng phương thức trọn gói EPCC.
- Ngày 4/10/2020, với Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày này hàng năm đã trở thành Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt với nguồn nhân lực lao động kỹ năng nói riêng và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng khi mà giá trị của kỹ năng lao động được ghi nhận, được khẳng định và tôn vinh.
Ngày 4/10/2023 là ngày tròn 10 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng. Ảnh tư liệu |
- Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh, Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân Việt Nam và là người thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng và Chính phủ. Đại tướng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rồi sau đó là Phó thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trong nhiều năm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp sức chỉ đạo các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, trong đó nổi tiếng là hai chiến dịch lớn: Chiến dịch Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 4/10/1857, ngày sinh của Xioncốpxki - ông tổ của ngành du hành vũ trụ lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Liên Xô đã phóng lên bầu trời con tàu vũ trụ mang tên "Sputnhíc 1" mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên con người chinh phục vũ trụ bằng những vệ tinh do chính mình chế tạo.
- Ngày 4/10/1957, Liên Xô phóng Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người, lên quỹ đạo tầng thấp của Trái Đất bằng tên lửa đẩy R-7 từ sân bay vũ trụ Baikonur thuộc Kazakhstan. Đây là bước tiến quan trọng đánh dấu sự thắng lợi của loài người nói chung và các nước xã hội chủ nghĩa nói riêng trong nghiên cứu khoa học. Chiến tranh lạnh từng tạo ra những giai đoạn khủng hoảng, nhưng cũng là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Nhiều bước phát triển nhảy vọt đã được ghi nhận trong giai đoạn này, làm nền tảng cho các ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
- Ngày 4/10/1993, Cuộc khủng hoảng hiến pháp Nga lên tới đỉnh điểm khi Tổng thống Boris Yeltsin ra lệnh cho xe tăng bắn thẳng vào tòa nhà quốc hội ở Mát-xcơ-va. Trước đó, ngày 2/10 đã xảy ra bạo loạn đẫm máu giữa cảnh sát dã chiến với những người ủng hộ các nghị sĩ cố thủ trong toà nhà quốc hội. Cuộc bạo loạn đã khiến gần 150 người chết.
- Ngày 4/10/2006, Julian Assange ra mắt trang WikiLeaks, gây nên cơn địa chấn toàn cầu khi WikiLeaks được cho là đã đóng vai trò tích cực trong việc giúp đỡ Edward Snowden, cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tiết lộ một khối lượng khổng lồ các tài liệu mật của Chính phủ Mỹ về nghe lén và do thám.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Ngày 4/10/1921, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội Liên hiệp Thuộc địa mà Người là người tham gia sáng lập. Thời gian này, Hội đã có gần một trăm hội viên chủ yếu từ 2 nhóm hội viên người Việt Nam và Madagascar.
- Ngày 4/10/1945, trên báo “Cứu Quốc” đăng bài “Chống nạn thất học” của Bác. Nhân danh Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí...”, “Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội nghị Trung ương lần thứ 16 (1959). Ảnh tư liệu |
- Ngày 4/10/1946, Báo Cứu quốc, số 365 đăng bài “Phương pháp đánh giữ và tiến thoái” của Bác với bút danh Q. Th. Bài báo viết: “Phương pháp dụng binh là phương pháp thiên biến vạn hóa. Tùy theo thời cơ, theo địa điểm, theo tình hình bên địch, người làm tướng lúc bày thế trận này, lúc bày thế trận khác... Muốn được thắng trận, phương pháp đánh giữ và tiến thoái phải luôn luôn biến đổi hợp với thời cơ, hợp với tình hình trên mặt trận. Nhanh như chớp, biến hóa như thần, đó là bí quyết của phép dụng binh”.
- Ngày 4/10/1945, Báo Cứu quốc số 58 đăng bài viết “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân” của Bác với bút danh Chiến Thắng. Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của hệ thống chính quyền non trẻ như vẫn còn lộn xộn, thiếu tổ chức, thiếu cán bộ hành chính; Có kế hoạch làm việc nhưng phân công, sắp đặt công việc chưa tốt, chưa đúng...