Ngày này năm xưa 3/12: Quốc hội ban hành Luật Cạnh tranh, Luật Điện lực
* Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 03/12/2004: Quốc hội ban hành Luật Cạnh tranh: Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2005 và là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh mối quan hệ cạnh tranh giữa các chủ thể hoạt động kinh doanh trên thị trường. Luật này là hành lang pháp lý quan trọng giúp tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, phân bổ hiệu quả các nguồn lực xã hội và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Mặc dù đạt được một số thành tựu nhất định nhưng kết quả hơn 14 năm thi hành Luật Cạnh tranh 2004 đã có những điểm không còn phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhằm khắc phục những hạn chế và bất cập, ngày 12 tháng 06 năm 2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi, bổ sung) năm 2018 (Luật Cạnh tranh 2018), có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 07 năm 2019 với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung so với Luật Cạnh tranh 2004.
Ngày 3/12/2004 Quốc hội đã ban hành Luật Điện lực |
Cùng ngày, Quốc hội ban hành Luật Điện lực: Luật Điện lực đã được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 3/12/2004. Sự ra đời của Luật Điện lực đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điện lực, nâng cao tính minh bạch, công bằng cho các bên tham gia hoạt động lĩnh vực điện lực, góp phần nâng cao năng lực cung ứng điện năng cho nền kinh tế đất nước.
Ngày 3/12/1998, Việt Nam tham gia vào đàm phán để gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO. Để có thể chính thức tiến hành đàm phán, trước đó vào 01-01-1995, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập WTO. WTO tiếp nhận đơn xin gia nhập của của Việt Nam và Việt Nam trở thành quan sát viên của tổ chức này. Tiếp theo, ngày 31-01-1995, Nhóm công tác (của WTO) về việc Việt Nam gia nhập WTO được thành lập. Theo đó, Việt Nam đã trả lời khoảng 2.600 nhóm câu hỏi do các thành viên WTO đưa ra và đã thông báo hàng chục ngàn trang văn bản cho các thành viên WTO về hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực thuế, đầu tư, nông nghiệp, thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ...
Theo quy định của WTO, khi việc xem xét của Nhóm công tác đã có những bước tiến đáng kể, nước xin gia nhập có thể bắt đầu các cuộc đàm phán.
Ngày 03 - 10/12/1982: Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (Khóa V) bàn về phân phối lưu thông
Ngày 3/12/1908 là ngày sinh nhà cách mạng Ngô Gia Tự. Đồng chí Ngô Gia Tự sinh tại làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1927, đồng chí dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 3-1929, đồng chí tham gia thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư Xứ uỷ lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ. Đến cuối năm 1930, đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn và đầy ra Côn Đảo tháng 5-1933. Đồng chí Ngô Gia Tự đã hy sinh trong chuyến vượt biển đầu năm 1935.
Ngày 3/12/1945 tại Hà Nội, Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc đã khai mạc. Lần đầu tiên đại biểu các dân tộc ít người ở Việt Bắc, Tây Bắc đến Tây Nguyên về họp mặt ở thủ đô Hà Nội, nhằm biểu dương tình đoàn kết giữa các dân tộc. Trong diễn văn khai mạc, Hồ Chủ tịch nói: "Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy độc lập còn cần đoàn kết hơn nữa”.
Ngày 3/12/2008: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, thực hành tiết kiệm.
* Sự kiện quốc tế:
Ngày 3-12-1992, Ngày Quốc tế Người khuyết tật từ năm 1992, ngày 3-12 hằng năm được Liên hợp quốc chính thức lấy làm Ngày Quốc tế Người khuyết tật, với mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người khuyết tật. Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm lo cho người khuyết tật. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước vẫn luôn quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực và ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật trợ giúp xã hội, bảo đảm các quyền của người khuyết tật và thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật vào phát triển kinh tế, xã hội.
Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm trợ giúp người khuyết tật |
Ngày 3/12/1910, những đèn ống đầu tiên không dùng dây tóc được sử dụng để chiếu sáng đường phố nước Pháp. Người phát minh ra đèn ống là Georges Claude. Hiện nay, đèn ống nêông được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong các gia đình. Ưu điểm của nó là tiêu thụ điện năng ít, ánh sáng dịu.
Ngày 3/12/1993, Chính phủ Angola và quân phiến loạn đồng ý ký kết hiệp định ngừng bắn trong cuộc chiến tranh kéo dài 18 năm của họ.
* Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ
Ngày 3/12/1925, từ Quảng Châu, với bí danh “Nilovski”, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân báo cáo về việc thực thi nhiệm vụ thu thập thông tin về nông dân Trung Quốc và về số bán nguyệt san về nông dân đang được thực hiện.
Ngày 3/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”. Về nhiệm vụ của Chính phủ, Bác nhấn mạnh: “Anh em thiểu số chúng ta sẽ được: 1. Dân tộc bình đẳng: Chính phủ sẽ bãi bỏ hết những điều hủ tệ cũ, bao nhiêu bất bình (đẳng) trước sẽ sửa chữa đi. 2. Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt: a) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng. b) Về văn hoá, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc. Các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình” . Cũng trong một bức thư viết cùng ngày gửi đồng bào thiểu số, Bác thông báo rằng ngày 3 tháng 12 năm nay (1945) “là một ngày rất vẻ vang cho nước Việt Nam... Hơn 20 dân tộc, họp lại một nhà, tay bắt mặt mừng, rất là thân ái. Đó là một cuộc Đại hội xưa nay chưa từng có, một cuộc thân thiện làm cho cả nước vui mừng”.
Ngày 3/12/1953, Bác dự kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa I, khi trình bày về chính sách đối ngoại đã nhắc lại câu trả lời phỏng vấn của một nhà báo Thuỵ Điển: “Chúng ta ủng hộ phong trào hoà bình thế giới. Nhưng chúng ta tuyệt đối chớ có ảo tưởng rằng hoà bình là một việc dễ dàng. Hoà bình phải do đấu tranh gian khổ mới giành được”.
Từ đêm ngày 3/12/1946, Hồ Chủ tịch chuyển đến ở và làm việc tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông. Tại đây, Hồ Chủ tịch đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng bàn việc chuẩn bị kháng chiến, và Người viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" gửi đồng bào và chiến sĩ toàn quốc
Ngày 3/12/1954, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh nhằm thi hành Hiệp định Giơnevơ, Bác phát biểu: “Chính sách của ta bây giờ là chĩa mũi nhọn vào Mỹ. Đối với Pháp, ta cố gắng gây không khí hoà dịu, nhất là các báo, đài phát thanh phải chú ý khi nào cần nói hãy nói... Về đối nội, nhiệm vụ quan trọng là giải quyết vấn đề lương thực, việc làm và thuế. Người lưu ý hoạt động của các ngành văn hoá, nghệ thuật cũng phải phục vụ nhiệm vụ chống Mỹ”.
Ngày 3/12/1961, Bác tiếp tục dự Hội nghị Trung ương lần thứ 6 bàn về việc Đảng bộ miền Nam ra công khai và đưa ra quan điểm: “Miền Nam đã có Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì cũng cần có chính đảng cách mạng của mình”.
Ngày 03 tháng 12 năm 1945, đăng trên Báo Cứu quốc, số 108, ra ngày 04 tháng 12 năm 1945 có đăng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, Bác nói: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”.
Đây là thời điểm nước ta vừa mới giành được nền độc lập, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách như: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, mở rộng quan hệ với các nước tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam... Lời căn dặn của Bác có ý nghĩa sâu sắc, là sự nhắc nhở ân cần đối với đồng bào các các dân tộc hãy xóa bỏ mọi bất hòa, thành kiến, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà để bảo vệ nền độc lập đã giành được.
Hiện nay, các thế lực thù địch đang quyết liệt thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, kích động ý thức về tộc người và lợi dụng sự chênh lệnh về trình độ phát triển giữa các dân tộc để tạo mâu thuẫn, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị, là nền tảng lý luận cho chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; định hướng, dẫn dắt cho hoạt động thực tiễn nhằm giải quyết tốt vấn đề dân tộc trong tình hình mới. Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta chủ trương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...