Ngày này năm xưa 21/4: Phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 21/4.
Một số sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 21/4, Ngày Sách Việt Nam. Ngày 24/2/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Quyết định nêu rõ, Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc Việt Nam.
Ngày 21/4- Ngày Sách Việt Nam |
Ngày 21/4/1947, ngày mất nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Ông là một trong các nhân vật lãnh đạo phong trào Duy Tân năm 1908. Năm 1926 ông được cử làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ.
Trong 3 năm hoạt động trong Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân chống lại viên khâm sứ Pháp, ông từ chức và sáng lập ra tờ báo Tiếng dân. Làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo này tại Huế năm 1927-1943. Sau Cách mạng tháng Tám, ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ cộng hoà và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, ông được trao quyền Chủ tịch nước năm 1946. Ông cũng là một sáng lập viên và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, ông được Chính phủ đặc phái vào Liên khu V công tác, do lâm bệnh, ông mất tại Quảng Ngãi.
Ngày 21/4/1954, ngày mất Ngô Tất Tố. Ông sinh năm 1894, là nhà văn, nhà báo lớn có rất nhiều bút danh. Khoảng năm 1927-1929 ông vào Nam cộng tác với các báo rồi trở ra Bắc, chuyên tâm sáng tác, nghiên cứu văn học, sử học, triết học, nổi tiếng trong làng báo, làng văn trong thời 1930-1935. Ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như: Tắt đèn viết năm 1939, Việc làng năm 1941, Lều chõng viết năm 1941, Thi văn bình chú viết năm 1941.
Từ 21-30/4/1959, tại Nhà hát thành phố Hà Nội đã tiến hành Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội (có ý nghĩa như Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ thành phố). Dự hội nghị có 236 đại biểu thay mặt cho 12 nghìn đảng viên. Ngày 25/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với các đại biểu. Người nói: "Hà Nội phải trở thành thủ đô xã hội chủ nghĩa" và "Đảng Bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp một phần vào công cuộc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh để đấu tranh giành thống nhất nước nhà". Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội gồm có 30 đồng chí, do đồng chí Trần Danh Nguyên làm Bí thư Thành ủy.
Ngày 21/4/1975, quân ta giải phóng thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh cũ. 7 giờ sáng trung đoàn 4 (sư đoàn 6) phối hợp với nhân dân và công nhân ở "Sở ông Quế", đánh tan tiểu đoàn 2 chiến đoàn 43 sư 18 ngụy khi chúng đang trên đường tháo chạy. 8 giờ sáng, ngụy quân ngụy quyền thuộc tỉnh Long Khánh tan rã hoàn toàn. Tuyến phòng thủ Xuân Lộc bị đập tan, cửa ngõ tiến quân vào Sài Gòn đã mở.
Ngày 21/4/1978, ngày mất Nguyễn Thành Châu (tức Năm Châu), ông sinh năm 1906, quê ở Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Ông bước vào sân khấu từ năm 15 tuổi. Trải qua 50 năm tận tụy với nghề, ông có nhiều đóng góp xây dựng và phát triển nghệ thuật cải lương Việt Nam. Ông là nhà viết kịch bản, kiêm đạo diễn, diễn viên xuất sắc trong giới nghệ sĩ sân khấu cải lương. Nghệ sĩ Năm Châu đã soạn gần 50 vở cải lương có giá trị. Ông được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Ngày 21/4/2004, ngày ban hành Quyết định số 29/2004/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp về việc sửa đổi khoản 1 Điều 1 Quyết định 189/2003/QĐ-BCN ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc chuyển Công ty Cơ khí Cổ Loa thành Công ty cổ phần Cơ khí Cổ Loa.
Ngày 21/4/2006, Bộ Thương mại ban hành văn bản số 0165/BTM-DM về Điều hành hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may.
Ngày 21/4/2011 Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam |
Ngày 21/4/2008, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009.
Ngày 21/4/2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2011/TT-BCT bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính tại Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 26 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hoá chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất.
Ngày 21/4/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 587/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Ngày 21/4/2017, ngày ban hành Thông tư quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017.
Ngày 21/4/2017, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCT về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020.
Sự kiện quốc tế
Ngày 21/4/1509, Henry VIII trở thành quốc vương của Anh và chúa của Ireland.
Ngày 21/4/1782, Phật vương Yodfa Chulaloke cho dựng cột trụ thành tại thủ đô bên bờ đông sông Chao Phraya, nay được cho là mốc thành lập Bangkok.
Ngày 21/4/1898, Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ
Ngày 21/4/1910, ngày mất Mark Twain, tác giả, nhà văn hài hước người Mỹ
Ngày Ngày 21/4/1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất: Phi công Đức Manfred von Richthofen thiệt mạng khi máy bay của ông bị bắn hạ trên không phận Vaux-sur-Somme, Pháp.
Ngày 21/4/1945, Thế chiến II: Quân đội Xô viết ở Zossen, phía nam Berlin, tấn công vào Chỉ huy sở của bộ tư lệnh tối cao Đức phát xít.
Ngày 21/4/1960 – Brasília, thủ đô của Brasil, được tấn phong chính thức.
Kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 21/4/1942, Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại chiến khu Cao Bằng đăng bài thơ “Hòn đá” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Với thể thơ ba chữ, bài thơ dễ nhớ để phổ biến cho đồng bào bài học về đoàn kết làm nên sức mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Cũng trong tháng 4/1948, trên số báo ra mắt, “Quân Sự Tập san” đăng thư của Bác với lời căn dặn: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm. Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong Quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì mỗi chiến sỹ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ. Còn những người viết thì cần phải viết một cách phổ thông, dễ hiểu, giản đơn mà rõ ràng”.
Ngày 21/4/1949, Báo Cứu Quốc đăng thư của Bác gửi Nhà in “Vui Sống” kèm theo một cuốn lịch với nội dung: “Lịch này là thắng lợi phẩm của anh em du kích Thủ đô biếu tôi. Tôi gửi tặng anh em. Giải thưởng này rất có ý nghĩa: Mỗi ngày, anh em nhớ đến chiến sỹ đang xung phong giết giặc trước mặt trận. Mỗi ngày, anh em phải tiến bộ, phải tranh cho được một thắng lợi để góp vào thắng lợi chung của kháng chiến và kiến quốc”.
Cũng vào thời điểm tháng 4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới “Đồng bào vùng Hà Nội” lúc này địch đã tạm chiếm, biểu dương: “Đồng bào trong và ngoài Hà Nội đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết. Vì vậy, mà hy sinh, đau đớn, cực khổ nhiều hơn hết. Mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết. Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc. Ngày nay chịu đựng càng nhiều, mai sau kết quả càng to. Tôi và Chính phủ cùng toàn thể bộ đội, toàn thể đồng bào, luôn luôn nhớ đến anh em ruột thịt đang tranh đấu hết sức gay go ở vùng Hà Nội... Tôi khuyên đồng bào vùng Hà Nội - trước đó cố gắng, nay cố gắng thêm; trước đó đoàn kết, nay đoàn kết hơn; tìm đủ mọi cách để phá hoại giặc, để giúp chiến sỹ ta. Chúng ta chắc thắng, vì chúng ta quyết thắng. Tôi viết thư này với tất cả tấm lòng thương xót, yêu mến và chắc chắn. Đồng bào cố tiến lên. Ngày vẻ vang sẽ không xa nữa”.