Ngày này năm xưa 18/9: Bộ Công Thương quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam
Chuyên mục "Ngày này năm xưa" trên Báo Công Thương, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 18/9.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
- Ngày 18/9/1976, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định thành lập thành phố Đà Lạt trực thuộc tỉnh Lâm Đồng.
- Ngày 18/9/1996, Bộ Trưởng Bộ Công Nghiêp Đặng Vũ Chư ký quyết định 2632/QĐ-TCCB Thành lập doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Len Biên Hòa và Doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập Tổng Công ty Dệt May Việt Nam.
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030. |
- Ngày 18/9/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 1621/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030”. Theo đó, xây dựng ngành hoá chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm như phân bón, sản phẩm cao su, hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa chất tinh khiết, hóa dược, hóa chất tiêu dùng,...
Góp phần phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và theo vùng lãnh thổ, tạo nên sự phát triển cân đối, hợp lý trong ngành công nghiệp hoá chất; hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn.
Phần đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hoá chất đạt bình quân từ 14% đến 16% và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt đến 14% vào năm 2020 và đạt khoảng 15% vào năm 2030.
- Ngày 18/9/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2015/NĐ-CP việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước.
- Ngày 18/09/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư hợp nhất số 20/VBHN-BCT Quy định về quản lý website thương mại điện tử.
- Ngày 18/9/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 86/2018/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 – 2020.
- Ngày 18/9/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BLĐTBXH quy định Chế độ báo cáo thống kê Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Ngày 18/9/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BCT quy định về phân cấp và lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí.
- Ngày 18/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020 – 2022.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 18/9/1851, The New York Times phát hành số đầu tiên với tên The New-York Daily Times.
- Ngày 18/9/1783, Ngày mất nhà thiên tài toán học Lêonác Âylơ.
Nhà thiên tài toán học Lêonác Âylơ |
Lêônác Âylơ (Leonnhard Euler) là nhà toán học bậc thầy của châu Âu, Ông sinh ngày 15-4-1707 tại Thuỵ Sĩ. Ông làm việc chủ yếu ở Viện Hàn lâm khoa học Beclin Đức. Chính ông là người có công dìu dắt nhà khoa học Nga Lômônôsốp.
Cả cuộc đời ông đều cống hiến cho khoa học, ngày đêm miệt mài nghiên cứu và sáng tạo, tham gia công tác lãnh đạo giới toán học. Ông để lại 416 công trình. Toàn bộ công trình của ông đều được in thành sách 85 quyển cỡ lớn với gần 40.000 trang. Mọi người đã biết đến ông qua: Đường thẳng Âylơ, đường tròn Âylơ về liên hệ giữa số đỉnh, cạnh và mặt trong một đa diện lồi.
- Ngày 18/9/1946, từ quân cảng Talông, chiến hạm Dumont D’ Urville (Đuymông Đuyếcvin) nhổ neo kết thúc chuyến thăm Pháp của Bác kéo dài 4 tháng. Trên tàu còn có một số trí thức Việt kiều về phục vụ đất nước như: bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa)...
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Ngày 18/9/1919, bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam” được ký tên Nguyễn Ái Quốc đã được đăng trên tờ “Yiche Pao” (Nghị Xã Báo) xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thư ở Paris (7-1946). Ảnh: cand.com.vn |
- Ngày 18/9/1926, trên tờ “Thanh niên”, số 61 xuất bản ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã đăng bài viết “Người cách mạng mẫu mực” của Người (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc (bí danh Lý Thụy). Người nêu ra vấn đề: “Sự nghiệp cách mạng rộng lớn và khó thực hiện; nó không thể do một người hay một nhà làm mà tốt được. Cách mạng của các nòi giống có mục đích là giải phóng các dân tộc yếu, sau tiến lên làm cách mạng thế giới, sẽ giải phóng toàn nhân loại khỏi ách đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa”. Người khẳng định, để hoàn thành vẻ vang vai trò này, người cách mạng kiểu mẫu phải có đầy đủ và thực hiện tốt 12 điều đã nêu lên trong bài báo. Trong đó phải kế đến những điều như: “Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại”; “Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức”; “phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” ở mọi nơi và mọi lúc...”. Ngoài ra, còn nhiều phẩm chất khác như: “làm việc không mệt mỏi”; “xem thường cái chết”; “thuận theo hoàn cảnh”; “suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động”; “chiếm được sự tin cậy của dân chúng để có thể sử dụng sức mạnh của họ đúng lúc”; “xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc”; “không cục bộ”; “không kiêu ngạo”; “kiên trì và nhẫn nại”. Sự nghiệp cách mạng là lâu dài, khó khăn và nguy hiểm. Nếu người cách mạng thiếu kiên trì và nhẫn nại, thì những khó khăn sẽ làm anh ta thối chí và sẽ đào ngũ giữa trận tiền”.
- Ngày 18/9/1945, tại Bắc bộ phủ, Bác tiếp khoảng 30 nhà công thương có tiếng ở Hà Nội, động viên mọi người đóng góp cho “Tuần lễ Vàng” để tỏ rõ cho thế giới biết người Việt Nam đồng lòng yêu nước. Cùng ngày, Bác tiếp Tướng Philip E.Gallagher (Philíp Galơgơ), Trưởng phái bộ Mỹ thay mặt quân Đồng Minh đang có mặt tại Hà Nội.
- Ngày 18/9/1952, Bác ra “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Nam bộ kháng chiến” biểu dương: “Nam bộ kháng chiến trước nhất. Chịu đựng gian khổ lâu nhất. Lại cách xa Chính phủ trung ương nhất. Hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng sức kháng chiến ngày càng mạnh mẽ và có nhiều thành tích rất oanh liệt, vẻ vang. Đó là vì đồng bào và bộ đội có lòng yêu nước rất nồng nàn, chí căm hờn quân giặc rất sâu sắc, lòng tin tưởng vào thắng lợi rất vững bền. Cho nên càng gian khổ, lại càng hăng hái. Chính như câu tục ngữ nói: lửa thử vàng, gian nan thử sức. Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ”.
(Một số thông tin tham khảo trong Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)