Ngành Ngân hàng tỉnh Hà Giang: Nhiều giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng
Cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng
Tỉnh Hà Giang có 11 huyện, thành phố thì có 6 huyện thuộc diện huyện nghèo; 133/193 xã là xã vùng III với địa hình chia cắt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Mấy năm trở lại đây, với nhiều giải pháp thiết thực, kết hợp thu hút, kêu gọi các nguồn lực đầu tư, tỉnh Hà Giang đã có những thay đổi tích cực. Trong đó, nguồn vốn tín dụng của hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương này.
Lên Hà Giang hôm nay, từ thành phố cho đến các huyện xa xôi như: Đồng Văn, Xín Mần, Hoàng Su Phì… ở đâu cũng có thể gặp mạng lưới hoạt động của các chi nhánh ngân hàng, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng TMCP Công Thương, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt; Ngân hàng TMCP Bắc Á chi nhánh Hà Giang… Cùng với đó là hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở xã, phường, thị trấn hoạt động rất hiệu quả.
Đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang nay đã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận tiện, nhanh chóng |
Theo đại điện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại Hà Giang, xác định “Nguồn vốn là điều kiện quyết định tăng trưởng và hiệu quả của sản xuất, kinh doanh”, thời gian qua, các ngân hàng, Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch hóa thông tin tín dụng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục thực hiện giảm 1/3 thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định hiện hành, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Các tổ chức tín dụng tập trung đơn giản hóa thủ tục (thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-50%), nâng cao chất lượng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, triển khai các biện pháp về chính sách khách hàng thông qua các sản phẩm tiền gửi, tích cực chủ động tìm kiếm khách hàng mới...
Đến nay, hầu hết các ngân hàng và tổ chức tín dụng đều đã đa dạng hóa các sản phẩm cho vay, liên tục cải tiến, tối ưu hóa quy trình cung cấp dịch vụ thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại (Internet Banking, Mobile banking, ví điện tử, QR code…) giúp khách hàng giảm chi phí; rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và thời gian chờ đợi của khách hàng.
Với sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, người dân đã có thể lựa chọn các gói tín dụng phù hợp, tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Giờ đây, khách ngồi tại nhà có thể đăng ký vay vốn hợp pháp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng; việc tiếp cận với các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh, với người dân và doanh nghiệp, cũng kịp thời hơn rất nhiều. Kết quả này không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, mà còn góp phần hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn.
Cũng nhờ các giải pháp đồng bộ này, tổng nguồn vốn hoạt động và quản lý của các tổ chức tín dụng tính đến tháng 7/2022 của tỉnh Hà Giang đã đạt trên 30.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt gần 17.000 tỷ đồng, tăng trên 20 % so với năm 2020 và đạt 130% kế hoạch năm 2022 đề ra.
Từ nguồn vốn huy động được, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tập trung nguồn vốn cho các chính sách phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là các chương trình, dự án nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của tỉnh Hà Giang. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng dư nợ đến 31/7/2022 đạt gần 28.000 tỷ đồng, tăng khoảng trên 17% so với năm 2020 và đạt 88,7% kế hoạch năm 2022 đề ra.
Đặc biệt, bằng nhiều biện pháp tích cực, năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022: Tỷ lệ nợ xấu của các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang luôn được kiểm soát ở mức thấp, chỉ chiếm dưới 0,5% tổng dư nợ, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đặt ra là dưới 3%, góp phần lành mạnh hóa tài chính và khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
Thừa uỷ quyền của Chính phủ - bà Hà Thị Minh Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang trao tặng Cờ thi đua cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Giang |
Đổi mới hoạt động của ngành Ngân hàng theo hướng hiện đại
Mặc dù đã đạt được những bước phát triển tích cực, song đến nay, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến của tỉnh Hà Giang hiện vẫn còn khá hạn chế, quy mô nhỏ. Tiến trình xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo cũng đang đặt địa phương này trước nhiều thách thức cần vượt qua. Thực tế này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang là không nhỏ.
Để đáp ứng yêu cầu này, mấy năm trở lại đây, ngành Ngân hàng tỉnh Hà Giang tập trung bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; triển khai tổ chức thực hiện tốt các giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng; chủ động tiếp cận, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng.
Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và xu hướng phát triển, ngành Ngân hàng tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của ngành Ngân hàng” nhằm đổi mới toàn diện hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ, của ngành và của tỉnh Hà Giang.
Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ được ngành Ngân hàng tỉnh Hà Giang tăng cường nhằm cảnh báo phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.