Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) - cho biết, logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh, ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 16%/năm. Cùng với độ mở của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia 13 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa gia tăng và là dư địa để ngành logistics tăng trưởng hơn.
Theo đó, ngành logistics sẽ phát triển nhờ các cam kết của FTA, trong đó, có cơ hội về nguồn cung - cầu cũng như điều kiện để dịch vụ này có thể thực hiện hiệu quả. Cụ thể, cam kết phân theo các phân ngành trong FTA đi vào ngành vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt..., có dịch vụ được mở cửa hoàn toàn, cũng có những lĩnh vực rất ít, với ràng buộc trong liên doanh.
Doanh nghiệp logistics cần khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA |
Bà Trang dẫn chứng, trong cam kết của Hiệp định EVFTA về mở cửa dịch vụ vận tải biển, điều kiện vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam chỉ được thành lập liên doanh vốn nước ngoài đến 49%, thuyền viên quốc tịch nước ngoài không quá 1/3 định biên tàu, thuyền trưởng phải là công dân Việt Nam... Vì thế, cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác trong nước rất lớn.
Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội DN và Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) - cho hay: Hiện, cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong đó, 70% có trụ sở ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu nên có nhiều lợi thế so với DN cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam. Trong khi đó, thế mạnh của DN logistics Việt Nam là đầu tư, khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, khai thác kho bãi và có đội ngũ nhân sự lành nghề... Vì thế, khi thực thi FTA với những cam kết liên quan đến lĩnh vực logistics vốn là thế mạnh của các bên, sẽ không có chuyện DN logistics nội kém năng lực cạnh tranh trước DN ngoại.
Bên cạnh đó, trong từng chuỗi logistics cũng cho thấy năng lực cung cấp của các logistics Việt Nam. Hiện nay, đến 90% cảng biển Việt Nam là do DN trong nước khai thác. Đây chính là lợi thế giúp DN logistics Việt Nam đủ khả năng cung cấp bất cứ dịch vụ nào thuộc chuỗi dịch vụ logistics cho tất cả DN, liên doanh liên kết với các DN nước ngoài, tăng năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển và các chính sách hỗ trợ cho ngành logistics. Đồng thời, ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng lớn của ngành logistics...
Chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng đạt khoảng 15 - 20%/năm, chiếm tỷ trọng từ 8 - 10% GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics 50 - 60%; chi phí logistics giảm tương đương 16 -20% GDP. |