Ngành gỗ: Sẵn sàng tận dụng lợi thế
Từ góc độ doanh nghiệp, xin ông cho biết đánh giá về vai trò của Bộ Công Thương trong đàm phán, ký kết và triển khai Hiệp định EVFTA?
EVFTA sẽ là điểm sáng trong phát triển nền kinh tế Việt Nam, góp phần phục hồi kinh tế khu vực, nhất là trong bối cảnh thương mại có nhiều biến động hiện nay như đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ… Từ góc nhìn của DN, thấy được vai trò rất rõ nét của Bộ Công Thương, vừa là cơ quan đầu mối trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và triển khai thực thi EVFTA; vừa là cơ quan được giao quản lý nhà nước trực tiếp với nhiều lĩnh vực quan trọng được điều chỉnh trong EVFTA.
Điểm lại quá trình từ năm 2012 đến nay, hiệp hội chúng tôi cho rằng, Bộ Công Thương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao đối với EVFTA; chủ động rà soát, tổ chức xây dựng các cơ chế; đề xuất, ban hành chính sách; sẵn sàng các kịch bản thích ứng, đảm bảo tuân thủ cam kết EVFTA, giúp mang lại hiệu quả thực thi.
Tác động của Hiệp định đối với ngành gỗ, DN xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại Việt Nam ra sao, thưa ông?
Đối với ngành gỗ, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ của Việt Nam sang các nước EU đạt 864,6 triệu USD, tăng 10% so với năm 2018, chiếm 8,1% trong tổng giá trị xuất khẩu 10,6 tỷ USD. Khoảng 88% tổng kim ngạch xuất vào EU là đồ gỗ, phần còn lại là nhóm gỗ nguyên liệu.
Nhìn chung, EVFTA sẽ giúp DN gỗ Việt Nam tiệm cận vị trí “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi cung sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng EU, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các chuỗi cung ứng đồ gỗ toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Nhờ đó, DN Việt có thể chủ động hình thành các chuỗi cung ứng mới, mở rộng thị phần xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn. Trong tình hình bất ổn của thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh, diễn biến khó lường, EVFTA sẽ là nền tảng vững chắc, tạo nên sự phát triển mang tính đột phá, hướng tới phát triển bền vững, giúp Việt Nam hoàn thiện khung luật pháp, thể chế, tạo hành lang thương mại hai chiều, giúp DN gỗ tích lũy nội lực, tăng sức cạnh tranh và củng cố vị thế ngành gỗ Việt trên thị trường thế giới.
Có thể nói, EVFTA đặt ra những cơ hội và thách thức lớn đối với cộng đồng DN ngành gỗ.
Về cơ hội, trước hết, EVFTA tạo ra vị thế mới cho nền kinh tế và DN Việt Nam, giúp quảng bá hình ảnh DN và sản phẩm, hình thành một “sân chơi đẳng cấp” mang tính toàn diện, mạng lưới kinh doanh rộng lớn đáng tin cậy hơn giữa Việt Nam và EU. Đồng thời, Việt Nam có thêm không gian để thúc đẩy cải cách thể chế sâu rộng hơn phù hợp các cam kết, phát triển nền tảng cạnh tranh minh bạch, công bằng, bền vững trong xã hội và cộng đồng DN; thúc đẩy hỗ trợ DN vừa và nhỏ trên cơ sở liên kết, phát triển các chuỗi cung ứng hiện đại, gắn với công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ có giá trị gia tăng cao.
Vậy, còn thách thức từ Hiệp định đối với ngành chế biến gỗ là gì, thưa ông?
Đi đôi với cơ hội từ EVFTA, ngành gỗ cũng xác định rõ những thách thức không hề nhỏ. EVFTA đặt ra các cam kết thực thi hiệu quả những tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), các hiệp định đa phương về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, nổi bật là vấn đề môi trường và lao động, thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR), minh bạch và trách nhiệm giải trình của DN… Trong đó, Việt Nam còn là một quốc gia đang phát triển; nhất là trong ngành gỗ, ngoài số ít các DN FDI đã có chuỗi cung ứng khép kín riêng biệt, phần lớn DN có quy mô vừa và nhỏ, công nhân chủ yếu là lao động phổ thông và sự ảnh hưởng rõ nét của tập quán lao động mùa vụ. Do đó, việc tuân thủ các cam kết khắt khe từ EVFTA là gánh nặng rất lớn về chi phí và cơ hội kinh doanh của DN Việt, bao gồm thương mại, hàng rào kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ…
Đồng thời, để EVFTA được EU phê chuẩn, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA FLEGT) trở thành một bộ phận không thể thiếu của EVFTA. VPA FLEGT là cơ hội, nhưng cũng mang lại thách thức lớn đối với cộng đồng DN ngành gỗ trong việc tuân thủ toàn bộ các quy định từ hệ thống bảo đảm gỗ hơp pháp, đặc biệt là vấn đề thủ tục hành chính đi theo hệ thống này.
Xin cảm ơn ông!