Để ngành gỗ Bình Dương bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp rất cần các cơ chế hỗ trợ từ các Bộ, ngành, địa phương |
Xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng 2 con số
Đánh giá về sự phát triển của ngành gỗ Bình Dương, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương- cho biết, tỉnh Bình Dương tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, bao gồm cả doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước và FDI với số lượng hơn 600 doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm đạt trên hai con số, khoảng từ 10 - 15%.
Các thống kê của Sở Công Thương Bình Dương cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2018, ngành gỗ Bình Dương xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD (kim ngạch cả nước là 4,8 tỷ USD trong 7 tháng). Hầu hết các mặt hàng gỗ xuất khẩu đều đạt mức tăng trưởng từ 10 - 12% so với cùng kỳ, đặc biệt mặt hàng gỗ xây dựng và đồ nội thất nhà bếp đạt tốc độ tăng trưởng mạnh vào một số thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, việc xuất khẩu gỗ của Bình Dương giữ nhịp tăng trưởng tốt là do có nhiều thuận lợi. Cụ thể, sau khi Hoa Kỳ áp thuế chống phá giá đối với mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc, giá nhập khẩu hàng Trung Quốc tăng cao, khiến các đơn hàng đồ gỗ của Mỹ chuyển sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam hiện nay đã trở thành một địa chỉ mua hàng đáng tin cậy của các thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Đông,… Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đã có những chính sách sự thu hút đầu tư nước ngoài trong đó có ngành chế biến đồ gỗ, do đó kéo theo sự phát triển của ngành chế biến gỗ nói chung.
Cần cơ chế để bứt phá
Mặc dù vậy, ông Thanh cũng chỉ ra những thách thức mà ngành gỗ Bình Dương đang gặp phải như: Tình hình giá nguyên liệu gỗ, giá các phụ kiện ngành gỗ biến động khó lường theo chiều hướng tăng cao, có khi tăng đột biến ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Do hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô sản xuất trung bình và khá phân tán, thiếu chuyên môn hoá và tập trung hoá, dẫn đến khả năng tiếp cận trực tiếp khách hàng hạn chế, khả năng tiếp nhận những đơn hàng lớn khó khăn làm giảm sức cạnh tranh cũng như đảm bảo tính ổn định của sản xuất. Thêm vào đó, ngành chế biến gỗ chưa phát triển mạnh về kỹ năng thiết kế, phát triển mẫu mã sản phẩm mới, đáp ứng sự thay đổi thị hiếu của thị trường và còn bị động trong việc tiếp cận trực tiếp nhu cầu của thị trường thế giới...
Trước những thách thức kể trên, ngành chế biến gỗ Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng như: Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tham gia hội chợ đồ gỗ lớn trên thế giới như ở Mỹ, các nước Châu Âu và Nhật Bản và Trung Đông. Mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, tự động hoá và số hoá từ các nước như Mỹ, Đức, Italia…
Ngoài các giải pháp trên, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương kiến nghị Chính Phủ có cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Cụ thể là xây dựng một chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cho ngành gỗ, giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với các thị trường mục tiêu, phấn đấu hướng đến phát triển thương hiệu riêng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy nhanh, hình thành khu công nghiệp tập trung cho ngành chế biến gỗ tại Bình Dương. Qua đó giúp các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng chuyên môn hoá, tập trung hoá, gia tăng liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm gỗ, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam, thu hút nhiều khách hàng trên thế giới. Khu công nghiệp này đã có chủ trương của Chính Phủ nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được do thiếu quỹ đất.