Ngành du lịch: Nắm bắt cơ hội để phục hồi
Ông có thể chia sẻ cơ hội đối với du lịch Việt Nam khi Chính phủ chấp thuận mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3?
Sau hai năm gần như đóng băng vì dịch bệnh, vì vậy, việc mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch tới đây tôi cho rằng chính là thời khắc quan trọng, ý nghĩa với toàn ngành kinh tế xanh. Có thể nói, đây là cơ hội để phục hồi lại ngành du lịch, trong đó thị trường khách du lịch quốc tế được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Tuy nhiên, sau hai năm Covid-19, thị trường quốc tế đã có nhiều thay đổi. Đơn cử, Trung Quốc từng là thị trường rất lớn của thế giới, nhưng với chính sách zero Covid-19 của quốc gia này, sẽ gần như không có du khách đến từ Trung Quốc trong ngắn hạn. Đây chính là thiếu hụt rất lớn về thị trường khách du lịch của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta sẽ phải chủ động khai thác sớm những thị trường khác cởi mở hơn về chính sách du lịch và đi lại.
PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch |
Vậy theo ông, trước những cơ hội và thách thức đan xen đó, chúng ta cần chuẩn bị gì để mở cửa du lịch hiệu quả?
Việc mở cửa du lịch nội địa dịp Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua là quyết định rất mạnh dạn và thu được những kết quả đáng mừng, nhưng một vấn đề chúng ta cần rút kinh nghiệm là giữa các địa phương chưa có chính sách đồng bộ, nhất quán. Do đó, các địa phương cần tuân thủ theo những chính sách của Chính phủ, bỏ những yêu cầu, quy định gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp du lịch, du khách.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cũng cần nghiên cứu, điều tra, khảo sát để đưa ra những phân tích, đánh giá, nhận định về sự thay đổi nhu cầu, thị hiếu của du khách quốc tế. Từ đó, khuyến nghị các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ theo mong muốn, nhu cầu của du khách. Đặc biệt, cần phải có phương án quản trị rủi ro khi mở cửa.
Du lịch Việt Nam cần thay đổi để phục hồi phát triển bền vững |
Về dài hạn, để trở thành một điểm đến có sức hút cần rất nhiều yếu tố, trong đó, ngành du lịch phải tháo gỡ được những nút thắt, cụ thể như vấn đề visa. Hiện, Chính phủ đã đồng ý đề xuất xem xét việc khôi phục lại cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ như trước thời điểm có dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc miễn cấp visa cho 24 nước và giới hạn thời gian đến Việt Nam trong 15 ngày vẫn là quá ít so với nhu cầu thực tế của khách du lịch. Do đó, cần nghiên cứu và mở rộng cho những nhóm khách tiềm năng có nhu cầu ở lâu hơn từ vài tuần cho đến hàng tháng.
Trong bối cảnh này ông nhận xét như thế nào về khả năng phục hồi của ngành du lịch trong thời gian tới?
Với quyết tâm của Chính phủ, ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp thì khả năng phục hồi của du lịch Việt Nam có nhiều cơ sở. Tuy vậy, chúng ta phục hồi như thế nào, nhanh hay chậm và chúng ta có phải là điểm đến hấp dẫn du khách trên đường đua trong khu vực hay không lại là câu chuyện khác.
Theo đó, khi nói đến câu chuyện phục hồi, chúng ta phải có những tiêu chí. Ví dụ phục hồi về lượng khách, phục hồi của doanh nghiệp… Về lượng khách, có thể yên tâm hơn ở nội địa nhưng với khách quốc tế sẽ lâu hơn, có ý kiến mốc năm 2026, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi như năm 2019.
Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có những hỗ trợ thiết thực với các doanh nghiệp du lịch vì họ đã kiệt sức sau thời gian cầm cự trước đại dịch. Nếu trước đây, doanh nghiệp cùng quảng bá, xúc tiến du lịch với nhà nước, nhưng bây giờ doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực, thì Bộ VH-TT&DL cần kiến nghị Chính phủ có nguồn lực cho công tác xúc tiến, quảng bá.
Xin cảm ơn ông!