Ngành du lịch châu Âu tổn thất khoảng 1 tỷ euro mỗi tháng vì Covid-19
Ngày 16/3, Cao ủy châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton đã công bố rằng, nếu không có một lượng khách ổn định từ bên ngoài khối, riêng ngành du lịch châu Âu được cho là sẽ chịu khoản lỗ ước tính khoảng 1 tỷ euro mỗi tháng. Lo ngại về tác động kinh tế sắp xảy ra, Liên minh Du lịch châu Âu, đại diện cho ngành du lịch và lữ hành châu Âu, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 17/3 kêu gọi các biện pháp tiếp theo để hạn chế tác động của Covid-19.
Việc hỗ trợ cho ngành du lịch phải là ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch phục hồi khủng hoảng và hành động của các nền kinh tế bị ảnh hưởng. Với hàng triệu việc làm hiện đang bị đe dọa, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ bị đóng cửa và phá sản. Nhóm vận động hành lang hoan nghênh phản ứng ngay lập tức được đưa ra bởi Ủy ban châu Âu ngày 13/3 để giảm thiểu tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19. Trong các biện pháp đối phó với khủng hoảng, các cơ quan điều hành của EU đã cam kết sẽ tái phân bổ các quỹ cơ cấu chưa sử dụng lên tới 37 tỷ euro để hỗ trợ các hệ thống y tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động bị ảnh hưởng. EU cũng đang xem xét tăng thêm 28 tỷ euro vào quỹ cơ cấu hiện có.
Các biện pháp tiềm năng được tính đến sẽ bao gồm viện trợ nhà nước tạm thời cho ngành du lịch và lữ hành từ các chính phủ quốc gia có khả năng tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng đối với các khoản vay ngắn và trung hạn để khắc phục tình trạng thiếu thanh khoản, bao gồm các khoản tiền do EU cung cấp thông qua Sáng kiến Đầu tư ứng phó với Corona, cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo vệ người lao động khỏi thất nghiệp và mất thu nhập. Về lâu dài, ngành du lịch châu Âu đề nghị đơn giản hóa các quy tắc thị thực, giảm hoặc miễn thuế cho khách du lịch và hỗ trợ các khu vực du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, có kế hoạch thu hút khách du lịch trở lại và đảm bảo phục hồi sau khủng hoảng.
Italia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu bởi sự bùng phát của Covid-19, dự kiến sẽ bị ảnh hưởng kinh tế do thiếu doanh thu từ du lịch, đặc biệt là vào dịp lễ Phục sinh. Tất cả các dịch vụ Phục sinh vào tháng tới, thường thu hút hàng chục ngàn người đến các địa điểm ở Rome và Vatican, vẫn sẽ được tổ chức mà không có tín hữu tham dự, được cho là chưa từng có trong thời hiện đại. Italia có thể mất tới 4,5 tỷ euro doanh thu du lịch trong năm nay vì dịch bệnh. Nếu tình hình tiếp tục, Italia có thể mất tới 7,4 tỷ euro trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến cuối tháng 5. Trong khi đó, Hy Lạp, nơi đang nổi lên từ một cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài một thập kỷ, dự kiến sẽ chịu tác động của Covid-19 đối với ngành du lịch quan trọng, chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế của Hy Lạp và hơn 1/4 việc làm. Các khách sạn Hy Lạp đã tạo ra doanh thu 8,7 tỷ euro trong năm 2019, tăng hơn 7% so với năm 2018.
Ở Tây Ban Nha, virus chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp đến du lịch và trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Tây Ban Nha. Trong khi đó, ngành du lịch Bồ Đào Nha đã cảm nhận được tác động của Covid-19 với 60% khách sạn ở khu vực phía Nam Algarve báo cáo việc hủy bỏ và các nhà tuyển dụng trên khắp Bồ Đào Nha lo sợ điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước. Phụ thuộc quá nhiều vào du lịch, Bồ Đào Nha đã thu hút hơn 16,3 triệu du khách nước ngoài vào năm ngoái, tăng từ khoảng 10 triệu vào năm 2014, khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục từ cuộc khủng hoảng nợ. Ngành du lịch đã đóng góp 14,6% vào tổng sản phẩm trong nước này năm 2018.