Ngành điện Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp cung cấp điện mùa nắng nóng
Đẩy mạnh công tác kiểm tra nguồn và lưới điện
Vào mùa khô, các tỉnh bắc miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng luôn chịu tác động trực tiếp gió Tây Nam khiến cho thời tiết trở nên rất khô nóng, cao điểm có những ngày nhiệt độ có thể lên đến trên 40 độ C và độ ẩm trong không khí lại rất thấp.
Do đó nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao. Để tránh tình trạng quá tải, cấp điện ổn định, an toàn, PC Thừa Thiên Huế đề ra các giải pháp như kiểm tra tình hình mang tải của các máy biến áp (MBA), các tuyến đường dây cấp điện, dự báo tình hình mang tải và xây dựng các phương thức vận hành trong các tình huống sự cố lưới điện.
Tăng cường kiểm tra và xử lý dứt điểm các tồn tại trên lưới điện |
Theo đó, đối với các trạm biến áp (TBA) 110kV, TBA trung gian, trạm cắt, các đơn vị quản lý vận hành sẽ phải thực hiện đầy đủ các hạng mục kiểm tra định kỳ, sử dụng các thiết bị đo để kiểm tra các trạm thường xuyên mang tải cao như trạm 110kV Phú Bài, 110kV Huế 3, 110kV Đồng Lâm, Trạm trung gian Bốt Đỏ và tăng cường kiểm tra khi phụ tải có chiều hướng tăng cao đối với các trạm còn lại. Với các TBA phân phối, các đơn vị quản lý lưới điện khu vực sẽ tăng cường sử dụng camera nhiệt kiểm tra tiếp xúc MBA, đo PD các tủ RMU, kiểm tra tiếp xúc tủ hạ thế, đo phụ tải vào thời gian cao điểm để tiến hành cân pha san tải khi phụ tải không cân bằng...
Trên các trục đường dây cấp điện, triển khai công tác kiểm tra, phát quang hành lang tuyến, vận động đền bù xử lý ngay những cây cao ngoài hành lang tuyến có nguy cơ đổ hoặc va quẹt vào đường dây khi có mưa to, gió lớn. Kiểm tra thông số điện trở nối đất các khu vực có mật độ giông sét lớn vào mùa khô. Tăng cường sử dụng camera nhiệt kiểm tra nhiệt độ các mối nối, vị trí các lèo xung yếu các xuất tuyến mang tải cao để kịp thời xử lý các hiện tượng bất thường.
Đặc biệt là các xuất tuyến quan trọng cấp điện khu vực thành phố, các xuất tuyến cấp điện khu công nghiệp. Thay thế các hộp chia dây hạ thế vận hành lâu năm kém chất lượng, xử lý tiếp xúc hạn chế cháy hộp nối gây sự cố lưới hạ thế.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Lãnh đạo PC Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa hạ tầng lưới điện trên địa bàn dự kiến là hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, hơn 211 tỷ đồng dùng để đầu tư mới và khoảng 50 tỷ đồng được dùng để cải tạo, sữa chữa hạ tầng lưới điện. Theo kế hoạch, đơn vị sẽ ưu tiên triển khai, hoàn thiện 6/11 công trình lưới điện với hơn 40 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 84% vốn đầu tư quý 1/2022 và sẽ tiếp tục hoàn thiện 10 công trình trên tổng số 14 công trình đầu tư trong quý 2/2022.
Bên cạnh đó, PC Thừa Thiên Huế tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện và thường xuyên làm việc với các khách hàng lớn nhằm nắm lại nhu cầu phụ tải, ký biên bản thỏa thuận về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải. Hiện có khoảng 320.466 khách hàng mua điện trực tiếp từ PC Thừa Thiên Huế.
Đảm bảo các nguồn điện cho hoạt hoạt động sản xuất, kinh doanh trước mùa nắng nóng |
Ông Nguyễn Đại Phúc – Giám đốc PC Thừa Thiên Huế - cho biết, các đợt nắng nóng gay gắt, diện rộng dẫn đến mức độ tiêu thụ điện gia tăng liên tục, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ tăng rất mạnh.
Chính vì vậy, Công ty sẽ tăng cường các giải pháp khuyến cáo khách hàng, người dân thực hiện một số giải pháp tiết kiệm điện như hình thành thói quen tắt đèn, quạt, điều hòa… trong nhà khi không có nhu cầu sử dụng; dùng máy điều hòa ở độ làm mát vừa phải (chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời từ 3 - 5 độ C); tận dụng các nguồn ánh sáng, năng lượng tự nhiên thay cho các thiết bị điện thông thường.
Đối với doanh nghiệp cần cân đối, bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm và tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm. “Đồng thời tư vấn doanh nghiệp cần đầu tư các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và có hiệu suất cao, phối hợp với ngành điện theo dõi và kiểm soát chất lượng điện năng, tổ chức theo dõi mức tiêu thụ điện năng qua suất tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm để đánh giá chính xác sản lượng tiết kiệm”, ông Phúc cho biết thêm.
Cùng với việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng lưới điện và các giải pháp quản lý vận hành với các diễn biến bất thường của thời tiết, PC Thừa Thiên Huế còn đặc biệt chú trọng đến giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hiệu quả kinh doanh.
Trong đó, thực hiện chuyển đổi hình thức thông tin thông báo đến khách hàng sử dụng dịch vụ điện theo hướng ưu tiên các hình thức hiện đại, điện tử (app, zalo, email) thay cho SMS; đẩy mạnh truyền thông, thực hiện dịch vụ điện trực tuyến; khuyến khích khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận dịch vụ Mobile money để thanh toán tiền điện…
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, vận hành lưới điện như áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng vận hành thiết bị, nâng cao năng lực giám sát và bảo trì từ xa thiết bị trên lưới điện.
Ngoài ra, nhằm hạn chế thời gian mất điện của khách hàng khi triển khai thực hiện các công tác duy tu, bảo dưỡng lưới điện, ngành điện cũng triệt để sử dụng công nghệ sữa chữa nóng lưới điện (sữa chữa Hotline), chuẩn bị sẵn sàng các máy phát điện 30kVA, 100kVA, 250kVA và 500kVA để cấp nguồn dự phòng cho các trường hợp cấp thiết.