Ngành dệt may Việt Nam tăng tốc "xanh hóa"
Vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường châu Âu nhằm hướng đến hàng dệt may bền vững và tuần hoàn, tầm nhìn năm 2030.
Theo đề xuất, hàng dệt may vào thị trường EU phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế được. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm. Quy định sinh thái của EC cũng kêu gọi các công ty thời trang giảm số lượng bộ sưu tập mỗi năm.
Ngành dệt may Việt Nam đang tăng tốc xanh hóa trong sản xuất |
Thống kê cho thấy, 250 thương hiệu lớn trên thế giới trong ngành dệt may đã công bố lộ trình cần phải sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tái chế, tự nhiên và tuần hoàn được trong quá trình phát triển của họ từ nay đến năm 2050. Đặc biệt, từ nay đến năm 2030 bắt đầu đi vào quá trình thay đổi thì áp lực sẽ rất lớn.
Các nhà mua hàng, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Những yêu cầu này nhấn mạnh các vấn đề như: Hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước. Sức ép này từ người tiêu dùng sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.
Trước đề xuất trên của EC, các quy định này nếu được áp dụng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà cung ứng Việt Nam.
Trong những năm gần đây, ngành dệt may, một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao, đã có nhiều chuyển đổi xanh hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu mới của khách hàng quốc tế. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết, Hiệp hội đặt mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.
May 10 hướng đến giảm phát thải hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường trong năm 2024 |
Tổng Công ty May 10 - CTCP là một trong những doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu chiếm đến 80%, trong đó chủ yếu là thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, Hồng Kông (Trung Quốc)… Trước xu hướng tiêu dùng xanh, sản xuất bền vững tại thị trường quốc tế, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 - cho biết: “Trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của chúng tôi đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải được hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường”.
Việc “xanh hóa” sản xuất đã được May 10 triển khai trong khoảng 3 năm nay bởi doanh nghiệp xác định đây chính là yêu cầu bắt buộc. Theo đó, May 10 đã triển khai bằng những việc làm cụ thể: Đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng; đầu tư nhiều vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái; liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên để đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng.
"Ngoài ra, ngay cả trong quá trình sản xuất, những nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được chuyển đổi sang nhiên liệu bằng điện sinh khối để đảm bảo khí thải carbon được ít nhất."- ông Thân Đức Việt chia sẻ.
Năm 2024, EU cũng đưa ra quy định Ecodesign trong ngành dệt may để hạn chế rác thải dệt may, hạn chế rác thực phẩm trong Fark to fork. Các quy định này đều đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu phải có sự chuẩn bị và chuyển đổi sản xuất tương ứng.
"Xanh hóa" sản xuất không phải muốn hay không mà đó chính là yêu cầu bắt buộc, là "con đường độc đạo" nếu không muốn chậm chân khỏi cuộc chơi của toàn cầu. Tuy nhiên, những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, chứng chỉ carbon có giá bán cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, một mặt không phải nộp thuế carbon, mặt khác sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại của nước khác chưa đáp ứng tiêu chuẩn xanh.