Ngành dệt may: Khơi thông điểm nghẽn, phát triển bền vững
Một trong những thách thức nhất hiện nay của ngành dệt may là thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị. Tại Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam” do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, chuỗi giá trị thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các công đoạn. Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải. Sợi sản xuất ra không được sử dụng trong nước để dệt vải mà chủ yếu xuất khẩu. Trong khi đó, vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 10 tỷ USD vải các loại.
Ảnh minh họa |
Bản Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 của Cục Công nghiệp đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển công nghiệp dệt may trở thành ngành kinh tế quan trọng, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để từng bước hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị, quản lý môi trường và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Để hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra, cần xúc tiến xây dựng các hàng rào kỹ thuật; tổ chức mạng lưới bán lẻ trong nước, đổi mới phương thức tiếp thị xuất khẩu, đồng thời quan tâm đến xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, hình ảnh của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ nhiều mặt để hình thành nền công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, đặc biệt về vốn và chính sách hỗ trợ sản xuất nguyên liệu. Đối với giải pháp về nguồn nhân lực, phải đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp dệt may về quản lý sản xuất, quản lý chuỗi giá trị và khách hàng; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dệt may, chú trọng vào các kỹ năng mới, cần thiết cho ngành trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hướng tới phát triển bền vững, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới, giải pháp về khoa học - công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển. Ngành dệt may cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường, kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị...