Ngành Công Thương tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch
Kinh tế từng bước trở lại quỹ đạo
Những nỗ lực phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp ở phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương này tăng trưởng ở mức cao trong 4 tháng đầu năm nay.
Theo đó, tại Đồng Nai kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng trên 16,3% so cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 6,4% so cùng kỳ và có 23/27 ngành sản xuất tăng. Với tỉnh Bình Dương, 4 tháng năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,55%. Tỉnh này cũng ghi nhận mức xuất khẩu đạt 12,46 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ, thặng dư thương mại đạt 3,9 tỷ USD.
Riêng TP. Hồ Chí Minh đã từng bước trở lại quỹ đạo tăng trưởng với những kết quả khả quan, đáng khích lệ và nhanh hơn kỳ vọng. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố đạt 13,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ; Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 6% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, kinh tế ở các tỉnh, thành phố phía Nam đang tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Là một trong những ngành hàng có đóng góp cho sự phục hồi của kinh tế, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) chia sẻ rằng, ngành lương thực đã ghi nhận mức tăng 4% trong 4 tháng qua. Để đạt được kết quả này, FFA đánh giá cao nỗ lực của ngành Công Thương trong suốt thời gian qua, đặc biệt là năm 2021 và giai đoạn phục hồi đầu năm 2022. “Thời điểm này chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cũng như những tình huống xảy ra chưa từng có tiền lệ về sản xuất, thị trường. Tuy nhiên chính trong bối cảnh này, cộng đồng doanh nghiệp vô cùng ấm lòng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ lãnh đạo ngành Công Thương trong việc chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, liên tục cùng nhiều đơn vị, nhất là các hội ngành nghề để nắm bắt tình hình sản xuất, khó khăn, bất cập xảy ra. Từ đó kịp thời tháo gỡ bằng nhiều chính sách, giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để hồi phục”- bà Chi nhấn mạnh.
Theo bà Lý Kim Chi, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành kịp thời nhiều giải pháp đồng bộ, bảo đảm cân đối hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đặc biệt, theo từng thời điểm ngành Công Thương đã kịp thời tháo gỡ hai khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp là nguồn cung phục vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trong lĩnh vực công nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyết - Tổng giám đốc thang máy BKE nhận xét: Ngay sau dịch, Bộ Công Thương đã khởi động loạt chương trình tư vấn cải tiến sản xuất rất thiết thực cho doanh nghiệp. “Nhờ được Bộ Công Thương tư vấn cải tiến, chúng tôi đã khắc phục được những điểm yếu về nhân sự, tổ chức bộ máy cũng như công nghệ, từ đó tăng hiệu suất làm việc gấp 4 lần so với trước cải tiến. Chúng tôi cũng thông qua đó tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm thang máy cho một số đối tác ở Hàn Quốc, Nhật Bản”- ông Quyết phấn khởi nói.
Cùng với các ngành trên, lúa gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu có nhiều thuận lợi với kim ngạch đạt 1 tỷ USD trong 4 tháng qua. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: Trong các tháng qua, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng đã có chiều hướng tăng cả về lượng và giá, có lợi cho người nông dân và doanh nghiệp. Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi này, Bộ Công Thương đã có những hỗ trợ rất kịp thời giúp họ nắm bắt thị trường, giá cả cũng như các thông tin, rào cản thương mại. “Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức những chương trình họp cả trực tiếp lẫn online nhằm thông báo diễn biến thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp nhanh chóng tìm giải pháp vượt qua”- ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh.
Mong tiếp tục nhận được hỗ trợ
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, kết quả 4 tháng qua mới chỉ là khởi đầu và trong giai đoạn tới trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của ngành Công Thương.
Điển hình trong ngành lương thực, bà Lý Kim Chi đề xuất, Bộ Công Thương cần khởi động và tổ chức lại các chương trình xúc tiến thương mại kết nối trực tiếp cho doanh nghiệp sang các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như Ấn Độ, EU,... để doanh nghiệp mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh. Theo bà Chi, Bộ Công Thương nên lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng cho những mặt hàng này vào các thị trường có nhu cầu phù hợp. Đặc biệt, các đơn vị trực thuộc Bộ như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cần tăng cường thêm công tác dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thông tin về thị trường xuất khẩu cũng như kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực thi những quy định mới để tăng khả năng ứng phó hiệu quả.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nói chung cũng đề xuất Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ có giải pháp căn cơ, lâu dài trong sự kết nối đa ngành và phối hợp liên ngành, từ tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác, phát triển chuỗi dịch vụ logistics, hệ thống kết nối dữ liệu, thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu.
Song song đó, Bộ Công Thương tiếp tục lắng nghe ý kiến những vấn đề bức xúc, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực thi thủ tục hành chính và những kiến nghị nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính từ phía các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp.