Ngành Công Thương Thừa Thiên - Huế Tăng trưởng trong khó khăn
Dệt may - mặt hàng tăng trưởng mạnh của Thừa Thiên - Huế
- Năm 2013, nền kinh tế cả nước vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành Công Thương Thừa Thiên - Huế vẫn phát triển khá, nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
- Để có thành quả trong lĩnh vực xuất khẩu (XK) năm 2012 và đầu năm 2013, cụ thể: Xuất khẩu 4 tháng qua đạt 162,76 triệu USD, tăng 22,49% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với cả nước, trong đó, nhiều nhóm hàng XK chủ lực của tỉnh tăng cao như: Sản phẩm gỗ ước đạt 17,48 triệu USD, tăng 4,97%; dệt may ước đạt 127,34 triệu USD, tăng 28,61%; vật liệu khoáng sản ước đạt 9,89 triệu USD, tăng 12,65%...
Có được thành quả đó là nhờ ngành Công Thương chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh làm tốt một số việc sau: Một la, kêu gọi đầu tư để tạo ra năng lực mới. Hai la, có chế độ chính sách đặc thù của địa phương. Ba la, các doanh nghiệp đã chủ động tìm những giải pháp tích cực nhất để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, củng cố các thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh XK sang các thị trường mới: Panama, Đài Loan, Australia, Li băng, Nhật Bản, Jordan,… Đặc biệt, nhờ tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, nhất là những cam kết ưu đãi về thuế quan nên XK tăng mạnh. Cụ thể: XK sang Nhật Bản ước đạt 11,61 triệu USD, tăng 38,22%; Hàn Quốc ước đạt 8,27 triệu USD, tăng 49,21%; Trung Quốc ước đạt 14,96 triệu USD, tăng 34,48% so với cùng kỳ năm ngoái,…
Thừa Thiên - Huế đang trên bước đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xin ông cho biết những giải pháp phát triển của ngành Công Thương những năm tới?
Để góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh và sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2015, ngành Công Thương đã xác định tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp chính sau:
Về lĩnh vực công nghiệp, xác định ngành công nghiệp là động lực chính để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Trong đó tập trung một số lĩnh vực như: Sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến khoáng sản; chế biến nông sản và thực phẩm; công nghiệp dệt may; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ xuất khẩu; sản xuất điện, đạt giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16%/năm…
Tập trung xúc tiến, vận động đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp - làng nghề; tiếp tục thực hiện Chương trình khôi phục, phát triển nghề, làng nghề và sản xuất sản phẩm xuất khẩu giai đoạn đến năm 2015. Trước mắt khôi phục phát triển 3 làng nghề: Hoa giấy Thanh Tiên, mây tre đan Bao La, nón lá Mỹ Lam theo hướng tạo sản phẩm mới phục vụ du lịch và xuất khẩu…
Về lĩnh vực thương mại- phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tăng bình quân 17-18%/năm; giá trị hàng xuất khẩu năm 2015 đạt 700 triệu USD.
Phát triển thị trường theo hướng lấy thị trường đô thị làm trọng tâm, hỗ trợ thúc đẩy thị trường nông thôn phát triển… Khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm hội chợ triển lãm theo hướng tập trung tại cụm đô thị động lực của tỉnh, gồm: Huế-Tứ Hạ-Phú Bài-Thuận An-Bình Điền, TP. Huế là đô thị trung tâm… Phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu theo hướng hiện đại, văn minh và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tổng hợp, phục vụ hành khách và sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện vận tải. Phát triển mạnh mạng lưới kho tàng, bến bãi, dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, lưu kho... Phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử. Tiếp tục triển khai các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Xin cám ơn ông!
Minh Tích (thực hiện)