Ngành Công Thương nỗ lực tri ân người có công với cách mạng
Tháng 7 hàng năm được coi là tháng tri ân, là tháng tập trung cao điểm những hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm sóc những người có công với cách mạng.
Trên thực tế, việc chăm sóc người có công với cách mạng luôn diễn ra thường xuyên, chu đáo, không chỉ có trong tháng cao điểm dịp 27/7 mà được tiến hành tích cực cả năm, trong chiến tranh cũng như hòa bình, lúc thuận lợi cũng như khó khăn. Chế độ ưu đãi của Nhà nước và phong trào xã hội hóa của cả cộng đồng đã mang lại kết quả tốt đẹp về mọi mặt, góp phần nâng cao mức sống cả về vật chất cũng như tinh thần của người có công với cách mạng.
Gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cũng ra sức tuyên truyền chống phá chính sách người có công của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chúng cho rằng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chỉ lo làm ăn kinh tế mà lãng quên người có công. Chúng phủ nhận những kết quả tích cực và vu cáo chúng ta không quan tâm, dẫn đến các gia đình người có công phải sống khó khăn, nghèo khổ. Chúng còn cố tình vu cáo rằng: Tham nhũng tiêu cực tràn lan trong lĩnh vực này, từ đó chúng tìm mọi cách để kích động người có công cũng như nhân dân bất bình, chống đối Đảng, Nhà nước…
Nhưng trên thực tế sự chống phá trên của các thế lực xấu đều bị thất bại. Bởi thực tế những năm qua, chúng ta luôn có sự quan tâm chăm sóc chu đáo, đạt nhiều kết quả to lớn, thiết thực với người có công với cách mạng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, có những chủ trương, chính sách, biện pháp, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp để chăm lo người có công với cách mạng. Người chỉ đạo hàng năm chọn lấy một ngày để “là dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến” với người có công. Và ngày 27/7 hằng năm trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ với nhiều ý nghĩa sâu sắc của công tác đền ơn đáp nghĩa, của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Thực hiện tư tưởng và tấm gương mẫu mực của Hồ Chủ tịch trong chăm sóc người có công với nước, Đảng, Nhà nước và toàn dân, toàn quân đã chung sức đồng lòng, triển khai sâu rộng, thúc đẩy phong trào chăm sóc người có công của cả nước ngày càng có sự ổn định và phát triển cao hơn.
Cùng với chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước là hoạt động sâu rộng của phong trào xã hội hóa, tự giác, tự nguyện huy động sức mạnh cộng đồng tri ân người có công. Nhờ vậy các phong trào tình nghĩa của cả nước đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Cả nước đã đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hơn 7.370 tỷ đồng, xây dựng mới và sửa chữa gần 16.000 nhà tình nghĩa, tặng hơn 127.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ việc làm… cho người có công được chăm lo thường xuyên, chu đáo. Điều đáng mừng là cùng với sự ưu đãi chăm sóc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, các đối tượng người có công cũng tự giác phấn đấu vươn lên.
Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, như đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước: “Dù phần lớn đã tuổi cao sức yếu, song với ý chí và nghị lực phi thường, các mẹ của chúng ta đều vượt mọi khó khăn, bệnh tật để sống vui, sống khỏe và động viên con cháu, người thân tích cực học tập, lao động và cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”. Xuất hiện nhiều tấm gương sáng của anh chị em thương binh, bệnh binh, với tinh thần tàn mà không phế, tích cực tham gia lao động sản xuất, sống gương mẫu ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cả nước hiện có hơn 12.000 thương binh nặng (mất sức lao động 81% trở lên), năm 2019 có 500 đồng chí tiêu biểu về dự Chương trình gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Đến nay, về cơ bản chúng ta đã từng bước nâng cao được mức sống cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng bằng hoặc hơn mức sống của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực chăm sóc người có công với cách mạng. Đảng, Nhà nước đã thừa nhận: “Một bộ phận người có công với cách mạng vẫn chưa được xác nhận… Đời sống của một bộ phận gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tình trạng khai man hồ sơ, trục lợi chính sách vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong xã hội”.
Đồng thời Đảng, Nhà nước cũng kịp thời, kiên quyết có các giải pháp tích cực, khả thi để khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng, như trong Chỉ thị số 14 - CT/TW của Ban Bí thư do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 19/7/2017: “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, đã xác định: “Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng”.
Bà Nguyễn Thị Hoa - Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương thăm hỏi và bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương, bệnh binh |
Trong hoạt động tri ân người có công chung của cả nước, ngành Công Thương đã có nhiều đóng góp thiết thực. Thông tin từ Công đoàn ngành Công Thương cho biết, có gần 700 đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng. Những người có công trong ngành Công Thương luôn tích cực, tự giác rèn luyện phấn đấu, phát huy truyền thống gia đình, bản thân, tiếp tục cống hiến cho ngành, cho đất nước. Toàn ngành luôn nỗ lực thực hiện trên phạm vi toàn quốc hoạt động tri ân người có công.
Hàng năm các tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương luôn tự nguyện đóng góp, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, như đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng nhà tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà người có công… Nhiều đoàn đại biểu trong ngành đã tích cực thăm, tặng quà các cơ sở nuôi dưỡng người có công và người có công ở các địa phương trên địa bàn cả nước. Nổi lên nhiều cơ quan, đơn vị làm tốt công tác chăm sóc người có công, tiêu biểu như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã tham gia tích cực, hiệu quả vào rất nhiều hoạt động thiết thực đền ơn đáp nghĩa, được dư luận cả nước học tập, đánh giá cao.
Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng công tác chăm sóc người có công sẽ tiếp tục được tiến hành sâu rộng với nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa, theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người có công và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”.