Ngành Công Thương: Lan tỏa phong trào sản xuất sạch hơn
Sản xuất sạch hơn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp |
Hướng phát triển bền vững
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg với mục tiêu SXSH được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Đồng thời, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững. Theo đó, nhà nước khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật áp dụng SXSH trên cơ sở tự nguyện và phát huy nội lực của các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Ngay sau khi Chiến lược được phê duyệt, Bộ Công Thương đã thành lập Ban điều hành và Văn phòng giúp việc Ban điều hành thực hiện; ban hành các văn bản hướng dẫn về nội dung, tài chính và quản lý việc thực hiện nhiệm vụ của Chiến lược. Bên cạnh đó, huy động kinh phí thực hiện từ ngân sách trung ương và các nguồn viện trợ (ODA). Từ nguồn kinh phí này, các hoạt động của Bộ Công Thương tập trung ưu tiên vào việc: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về SXSH; tăng cường năng lực cho mạng lưới đơn vị đầu mối về SXSH; duy trì công cụ hỗ trợ kỹ thuật; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cho các ngành. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động huy động từ nhiều nguồn ngân sách địa phương khác nhau để triển khai nhiều hoạt động thực hiện Chiến lược, như: Quỹ khuyến công địa phương, nguồn sự nghiệp môi trường hay Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả…
Đẩy nhanh tiến độ triển khai
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 của Chiến lược, tiếp tục đề xuất Chương trình SXSH cho giai đoạn mới sau năm 2020. Đặc biệt, năm 2019, Bộ Công Thương dự kiến sẽ xây dựng hệ thống chứng nhận SXSH trên cơ sở tự nguyện cho cơ sở sản xuất để giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận với những thị trường xuất khẩu khó tính quan tâm đến các rào cản về môi trường.
Cùng đó, phối hợp và hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ sở pháp lý và bộ máy tổ chức thực hiện Chiến lược; phối hợp với Bộ Tài chính, những đơn vị có liên quan hoàn thiện và cụ thể hóa các quy định về tài chính, huy động nguồn vốn thực hiện Chiến lược hàng năm; tiếp tục các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho việc triển khai nhiệm vụ đặc thù của Chiến lược.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì hoạt động tăng cường năng lực hướng dẫn, áp dụng SXSH cho các địa phương như: Đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn, giảng viên SXSH; duy trì diễn đàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị thực hiện SXSH; kết nối hoạt động, chương trình hỗ trợ việc triển khai SXSH tại địa phương; ưu tiên những hoạt động nâng cao nhận thức về lợi ích của việc áp dụng SXSH tại DN..
Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 đặt ra mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020: 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 8 - 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 90% DN vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về SXSH… |