Ngành Công Thương Khánh Hòa nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm
Sáng ngày 29/6, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị “Phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”.
Hội nghị có sự tham gia của đông đảo cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Tầm quan trọng của việc tập huấn kiến thức
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), công tác bảo đảm ATTP đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về ATTP có chuyển biến tích cực; sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp… ảnh hưởng lớn tới an ninh, ATTP.
Theo ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm ATTP là đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức, các quy định của pháp luật về ATTP, nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
”Hội nghị được tổ chức nhằm góp phần đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh và nâng cao kiến thức về ATTP trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra”, ông Đương cho biết.
Tại Hội nghị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được phổ biến một số văn bản quy phạm pháp luật về ATTP và những nội dung cơ bản liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ngành Công Thương; phổ biến, cập nhật về các điều kiện, quy định của sản phẩm, doanh nghiệp trước khi đi vào hoạt động; các điều kiện, quy định cần phải thực hiện trong quá trình hoạt động sản xuất thực phẩm; phổ biến về các mối nguy và ngộ độc thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phổ biến các quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP trong hoạt động sản xuất thực phẩm.
Đại diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP |
Nâng trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Theo TS. Trương Hương Lan - Chủ nhiệm Bộ môn Thực phẩm và dinh dưỡng, Viện Công nghiệp thực phẩm, mục đích đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng cũng như trên cả nước nói chung chính là hướng đến người tiêu dùng. Vì người tiêu dùng khi sử dụng, tiêu thụ sản phẩm thì doanh nghiệp mới có thể phát triển.
Do đó, để doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, có thể phát triển được lâu dài thì ngoài việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, doanh nghiệp cần phải đảm bảo các điều kiện về ATTP như nhà xưởng, trang thiết bị, con người và công nghệ tốt để tạo ra những sản phẩm giúp người tiêu dùng hưởng lợi nhiều nhất, yên tâm hơn sử dụng sản phẩm.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất. Ảnh: Sản xuất yến sào Khánh Hòa |
Hiện tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương đều phải tuân theo các quy định ATTP do Nhà nước ban hành và của Bộ Công Thương ban hành, ví dụ như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; QCVN 8-1:2011/BYT về giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm, QCVN 8-2:2011/BYT về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm… Ngoài việc tuân thủ các điều kiện về ATTP để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP, thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương còn phải chủ động thực hiện những chứng nhận cho sản phẩm của mình.
“Là đơn vị nghiên cứu về thực phẩm, cũng như đảm bảo những cơ sở khoa học để tạo ra những văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, Viện Công nghiệp thực phẩm đã phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), tuyên truyền, tập huấn về ATTP cho các địa phương. Đối với Khánh Hòa, chúng tôi có kêu gọi những chương trình khác đối với doanh nghiệp, không chỉ về phổ biến các kiến thức về ATTP mà còn những hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp tại Khánh Hòa phát triển mạnh, bền vững, tạo ra những sản phẩm có giá trị hơn”, bà Lan thông tin.
Theo đó, Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn ra trong 2 ngày 29-30/6.