Ngành Công Thương Hà Nội kết nối doanh nghiệp công nghiệp chủ lực với nhà khoa học
Tham dự hội nghị, có hơn 50 lãnh đạo đại diện các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội, các nhà khoa học tới từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Phenikaa...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà NộiNguyễn Đình Thắng cho biết, thành phố hiện có 289 sản phẩm của 191 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD, tạo việc làm cho gần 80.000 lao động.
Toàn cảnh hội nghị |
Hà Nội có ưu thế là nơi đặt trụ sở của hàng trăm trường đại học, viện nghiên cứu lớn với đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu, mỗi năm đã nghiên cứu hàng trăm công trình khoa học có giá trị. Tuy nhiên, trong số đó, còn có những công trình nghiên cứu khoa học chưa tiếp cận được với sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, hiệu quả ứng dụng và sức lan tỏa chưa cao.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu rất lớn trong đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại, có hàm lượng chất xám cao vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, giá thành chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại từ nước ngoài rất cao, trong khi nhiều công nghệ, thiết bị trong nước đã có thể nghiên cứu, sản xuất được.
“Vì vậy, hội nghị được triển khai với mục đích kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực nhằm đưa các nghiên cứu của các nhà khoa học đến với sản xuất của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Thắng thông tin.
Cũng theo ông Thắng, gần đây, thành phố Hà Nội đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ, châu Á… về cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này. Do đó, việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ mới sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ sản xuất, phát triển sâu vào các dòng sản phẩm mang tính hiện đại, bền vững, công nghệ cao, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hội nghị nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội phát triển khoa học - công nghệ, tiếp cận các đề tài nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội để ứng dụng vào sản xuất.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia có các nghiên cứu khoa học đã trình bày, trao đổi như đề tài thiết kế chế tạo robot hỗ trợ y tế, chuyển đổi số trong doanh nghiệp truyền thống, một số giải pháp về nhà máy thông minh, công nghiệp tự động hóa...
Bên cạnh các tham luận trình bày tại hội nghị, Sở Công Thương Hà Nội đã nhận được gần 100 đề tài, công trình nghiên cứu, giải pháp khoa học trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, chuyển đổi số… Qua đó, thông tin đến các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực để đặt hàng, đưa nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất thực tế.
Ông Nguyễn Đình Thắng kỳ vọng, hội nghị sẽ trở thành diễn đàn thường niên kết nối, phát huy được giá trị các công trình nghiên cứu khoa học và giúp các doanh nghiệp tiếp cận, chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển giao công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại trong sản xuất kinh doanh, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, tiêu chuẩn, chất lượng và độ chính xác của sản phẩm, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.