Thứ ba 19/11/2024 21:54

Ngành công nghiệp phải là động lực tốt cho tăng trưởng kinh tế

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chiều 6/8.    

Giá trị công nghiệp chưa cao

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, trong những năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện qua: Tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước; trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao; cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, một số ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, xây dựng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, công nghiệp khai khoáng giảm dần; hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn, tỷ trọng các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao và trung bình ngày càng tăng; Góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống của nhân dân.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với Cục Công nghiệp chiều 6/8

Mặc dù vậy, quá trình công nghiệp hoá của Việt Nam còn nhiều vấn đề bởi giá trị của ngành công nghiệp trong nước tạo ra vẫn thấp. Báo cáo chỉ ra 3 thực tế: hiệu quả sản xuất của Việt Nam xét trên khía cạnh giá trị gia tăng và xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn; tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị vẫn là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Lấy dẫn chứng về ngành công nghiệp ô tô, ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp bày tỏ, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Đáng chú ý, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. “Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…”- ông Hoài nói.

Ông Trương Thanh Hoài- Cục trưởng Cục Công nghiệp báo cáo tại buổi làm việc.

Hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng

Với báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định: Sản xuất công nghiệp hiện đang có dấu hiệu tích cực, cụ thể công nghiệp khai khoáng tăng trưởng dương, theo số liệu tăng so với năm trước 4,4%. Đặc biệt tăng trưởng tích cực ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tháng sau tăng cao hơn trước, đạt con số khích lệ khi tăng 10% (năm trước 12%), tiếp tục là động lực tốt cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên ngành công nghiệp mặc dù xuất khẩu tăng trưởng cao, cơ cấu giá trị xuất khẩu chế biến chế tạo tới 80% nhưng FDI lại hơn 75%. Nên Bộ trưởng rất băn khoăn về vai trò của doanh nghiệp FDI. Theo đó, cần phải phân tích cụ thể về vấn đề công nghiệp, cần có quan điểm toàn diện, quản lý đầu tư công nghiệp như thế nào là hợp lý? “Cục Công nghiệp cũng phải đánh giá trong các hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm có những yếu tố nào do chính sách mang lại tạo đà phát triển công nghiệp, những yếu tố nào vướng mắc, vướng ở đâu cần tiếp tục làm rõ”- Bộ trưởng nhìn nhận.

Phân tích sâu hơn, Bộ trưởng chỉ rõ, phải có định hướng trong đầu tư chính sách, cần có chính sách phát triển công nghiệp trong dài hạn. Định hướng cụ thể như thế nào trong chuỗi giá trị hoạt động về công nghiệp ô tô hay công nghiệp dệt may… “Chúng ta đã có Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (Made in Việt Nam), công cụ tạo liên kết tạo chuỗi giữa công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Làm sao cho 6 tháng cuối năm có phát triển tốt hơn, đóng góp vào giá trị chung trong phát triển kinh tế đất nước…”- Bộ trưởng lưu ý

Trước yêu cầu của Bộ trưởng, ông Trương Thanh Hoài khẳng định, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục tập trung vào một số giải pháp lớn nhằm khai thác các tiềm năng và thế mạnh để đưa nền công nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn như: Phối hợp với các Bộ, ngành tập trung xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng và cơ hội phát triển như công nghiệp ô tô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ; Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. “Cục Công nghiệp sẽ làm việc với các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp để hoạch định và thực thi chính sách công nghiệp”- ông Hoài nhấn mạnh.

Đánh giá cao vai trò của Cục Công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, thời gian qua, vấn đề chính sách phát triển công nghiệp là quan trọng nhất và Cục Công nghiệp đã làm tốt nhiệm vụ này. Đơn cử như Nghị định 116/2017/NĐ-CP về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã tạo ra sự khởi sắc cho ngành công nghiệp ô tô, lần đầu có thương hiệu ô tô Việt. Bên cạnh đó, Nghị định còn tạo dung lượng thị trường tốt, tập trung cho doanh nghiệp làm khối lượng lớn, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô.

Thứ trưởng khẳng định, thời gian tới phải tập trung xây dựng chính sách công nghiệp ưu tiên, chuyển giao công nghệ, tận dụng dòng vốn chuyển dịch, tận dụng cơ hội FTA. CPTPP. “Chúng ta phải hoàn thành mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương, như Thủ tướng Chính phủ đã nói không bàn lùi mà chỉ có tiến”- Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng yêu cầu Cục Công nghiệp cần nghiên cứu và áp dụng công nghệ 4.0 trong các hoạt động chung. Thứ trưởng đồng tình với ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ trong việc cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp Việt Nam. Theo Thứ trưởng, nhiều đơn vị thuộc Bộ cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu, nhưng cách làm chưa đồng bộ, tương thích. Thứ trưởng cho rằng, nếu các đơn vị thuộc Bộ thống nhất được cách xây dựng thì hệ thống cơ sở dữ liệu này sẽ rất có ích trong việc xây dựng và hoạch định chính sách.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận buổi làm việc.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo, phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần bám sát các định hướng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nội dung trọng tâm, cụ thể là kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp. “Bảo vệ và mở rộng thị trường trong nước, khai thác tối đa thị trường xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết cho các sản phẩm công nghiệp trọng điểm”- Bộ trưởng nêu rõ.

Đối với ngành công nghiệp ô tô, Bộ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp tiếp tục làm việc, bàn hướng giải quyết trên cơ sở đề xuất doanh nghiệp để tạo ra dư địa phát triển ngành này, tạo đà phát triển cho công nghiệp ô tô trong nước. “Cần tiếp tục nghiên cứu những tồn tại tại Nghị định 116 theo hướng bảo vệ sản xuất trong nước nhưng đồng thời vẫn còn có sự phù hợp trong quá trình hội nhập”- Bộ trưởng nói.

Cụ thể, công nghiệp ô tô cần có thị trường. Đối mặt với cắt giảm thuế quan, dư địa cho ngành như thế nào? Để tạo thuận lợi cho công nghiệp ô tô cần có ý kiến các đơn vị như Cục Xuất nhập khẩu, Vụ đa biên .

Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Cục Công nghiệp phải rà soát, nghiên cứu cụ thể đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, công nghiệp ô tô… Nắm bắt tổng thể để thực hiện phát triển ngành công nghiệp trọng điểm trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Công nghiệp phối hợp với Vụ đa biên, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xúc tiến thương mại lồng ghép để làm sao cho trúng và khai thác hiệu quả ngành công nghiệp. Xây dựng chính sách mới đối với công nghiệp ưu tiên để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các dự án quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ.

Lan Anh- Vũ Cương
Bài viết cùng chủ đề: Cục Công nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Khai giảng khóa đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường tại Brazil

Tăng liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tạo 'đường ray' phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới -Bài 1

AP Saigon Petro ra mắt máy thay nhớt tự động 3R dành cho xe máy

10 tháng năm 2024, nhà máy Z183 (Bộ Quốc phòng) đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng

Thanh Hóa: Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội cho ngành thép

Lai Châu: Kiểm tra hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 3

Mỹ, Nga, Italy sẽ tham gia triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Quân khu 1 thực hành diễn tập bắn đạn thật nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu

Sở Công Thương Bình Định trao đổi kinh nghiệm với ngành công thương Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ

Bộ Công Thương và Samsung Electronics Việt Nam tổng kết khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 2

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 1

Nhiều tập đoàn nước ngoài muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam

Cần giải pháp toàn diện để phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng hiện đại và bền vững

Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư

Doanh thu ngành vật liệu xây dựng chiếm khoảng 11% GDP quốc gia