Ngành cơ khí Việt Nam làm gì để bứt phá?
Mảnh đất màu mỡ nhưng vẫn còn bất cập, vướng mắc
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ và ô tô và phụ tùng ô tô. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho phát triển ngành cơ khí.
Ngành cơ khí đóng vai trò là ngành công nghiệp “xương sống”, là nền tảng và là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển |
Cụ thể, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…
Bà Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) – cũng nhận định: Doanh nghiệp cơ khí đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp cơ khí có ưu thế hơn khi xuất khẩu, mở rộng thị trường đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.
Thực tế cho thấy, cơ hội cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển để cạnh tranh không phải không có, nhưng, hàng loạt các vướng mắc, bất cập vẫn đang “kìm” chân doanh nghiệp. Lãnh đạo VAMI cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trên dưới 40 tỷ USD các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, ngành cơ khí nội địa Việt Nam không có được nhiều thị phần, bởi phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường chưa hoàn thiện. Đồng thời, chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác, dẫn đến cơ khí nội địa bị thua thiệt ngay trên sân nhà.
Ngoài ra, trên thực tế chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của một số doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. NĐồng thời thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt.
Đáng lưu ý, trước những tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng trình độ cơ khí chế tạo, nhất là cơ khí chính xác - trụ cột của sản xuất công nghiệp vẫn lạc hậu so với nhiều nước. “Doanh nghiệp gặp không ít thách thức trong cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng…, để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới”- đại diện VAMI thừa nhận.
Cơ khí là ngành hàng cần được Nhà nước đưa vào chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành cơ khí Việt Nam đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI đòi hỏi cơ quan quản lý có những cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, yêu cầu các dự án kinh tế ưu tiên sử dụng hàng nội địa.
Bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, muốn ngành cơ khí trong nước phát triển phải có được thị trường, nhưng để làm được điều này đòi hỏi Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước theo hướng nếu những thiết bị nào trong nước đã sản xuất được thì kiên quyết không cho nhập khẩu.
Một số chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu theo hướng nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế. Điều này vừa tạo thị trường, vừa giúp nâng cao năng lực và sự liên kết của các doanh nghiệp cơ khí trong nước.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Hà Nội bày tỏ, quan trọng nhất đối với doanh nghiệp cơ khí là thị trường. Bộ Công Thương cần định hình cho doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng, phân chia thị trường như thế nào để có cơ hội cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa. Sau đó mới mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất và cạnh tranh để từ đó tham gia chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi cũng mong muốn Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ sớm xây dựng chiến lược, quy hoạch để phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong thời gian sắp tới; cơ chế chính sách hỗ trợ sớm ban hành và đi vào thực tế hơn để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, mở rộng hợp tác và chia sẻ thị trường, mang lại sự phát triển bền vững"- ông Nam kiến nghị.
Để phát triển công nghiệp cơ khí nói chung và công nghiệp hỗ trợ cơ khí nói riêng, theo VAMI, cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính…Đồng thời giúp doanh nghiệp thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí trong nước và doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, nhà nước cũng nên tạo nhiều đơn hàng, trong đó có đơn hàng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công.
Đại diện VAMI cũng kiến nghị, cơ khí là ngành hàng cần được Nhà nước đưa vào chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và hưởng những chính sách ưu đãi nhất định bởi phát triển ngành cơ khí là phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành kinh tế, công nghiệp, dịch vụ khác chứ không chỉ làm một số chi tiết, bộ phận của các máy, dây chuyền công nghệ
Cục Công nghiệp cũng đưa ra giải pháp, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Ngành cơ khí - chế tạo vẫn là ngành xương sống của đất nước. Thiết nghĩ, để ngành công nghiệp xương sống này phát triển vững mạnh, rất cần bàn tay của Nhà nước với vai trò như một “bà đỡ” để tạo thị trường trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tạo công ăn việc làm ổn định cho ngành.