Ngân hàng mở: Xu hướng tất yếu của thời đại 4.0

Sự dịch chuyển mô hình kinh doanh ngân hàng từ hệ sinh thái đóng sang hệ sinh thái mở sẽ là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế. Đây là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Đó là những nhận định lãnh đạo nhiều ngân hàng và các chuyên gia tài chính - ngân hàng trong và ngoài nước tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam - Những khuyến nghị về chính sách và khuôn khổ pháp lý” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 16/3, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngân hàng mở (Open Banking) là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng. Theo đó, ngân hàng cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng. Với việc ứng dụng giao diện lập trình (API) - công nghệ cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu mở hay truy cập bảo mật đến các dữ liệu đóng của một tổ chức khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Khi được chia sẻ thông qua Open API (những dịch vụ nào, dữ liệu nào các đối tác có thể sử dụng…), dữ liệu có thể được sử dụng để các công ty Fintech tạo thêm nhiều ứng dụng mới, cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn.

“Trong mô hình này, ngân hàng sẽ là người cung cấp các dịch vụ thông qua Open API và cùng các đối tác của mình xây dựng một hệ sinh thái nhằm thỏa mãn các yêu cầu của người dùng. Bằng cách khuyến khích các ngân hàng và các bên thứ ba kết nối với nhau thông qua các Open API của ngân hàng, trải nghiệm tài chính của khách hàng có thể được cải thiện mạnh mẽ” - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ.

Ngân hàng mở: Xu hướng tất yếu của thời đại 4.0
Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam - Những khuyến nghị về chính sách và khuôn khổ pháp lý” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 16/3, tại Hà Nội

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nhận định, Open Banking giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn lại quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp được dịch vụ toàn diện, tiện lợi nhất cho khách hàng. Điển hình, các Ngân hàng thương mại hiện đại hóa công nghệ đa tiện ích như mobile banking, internet banking, contactless payment, QR code…

“Nền tảng Open banking còn góp phần kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống, ví dụ như thanh toán hóa đơn điện nước, viễn thông, thanh toán trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến… Ngân hàng có thể tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, từ đó giữ chân khách hàng và tăng lượng khách hàng thân thiết” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Chia sẻ về xu hướng ngân hàng mở và thực tiễn triển khai tại ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, ngân hàng mở sẽ giúp khách hàng nâng cao trải nghiệm giao dịch tài chính, tiết kiệm chi phí qua trung gian và quản lý tài chính tốt hơn. Đối với ngân hàng, sẽ thiết lập được hệ sinh thái phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, đồng thời mở rộng dịch vụ sản phẩm, khai thác được tệp khách hàng mới. Tại VietinBank đã xác định hướng đi và lộ trình triển khai ngân hàng mở từ rất sớm (năm 2017), nhiều dịch vụ của đối tác đã được cung cấp trên ứng dụng VietinBank iConnect và trung bình mỗi tháng có hơn 12 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng này.

Tuy nhiên theo ông Lân, việc triển khai ngân hàng mở cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhất là vấn đề hành lang pháp lý cụ thể, bởi hiện nay chưa có quy định hướng dẫn về Open API. Đồng thời cũng chưa có tiêu chuẩn chung về hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật, kết nối…

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngân hàng mở từ góc nhìn khu vực, ông Jonathan Cheung, Giám đốc Open Banking & API, Standard Chartered HongKong (Trung Quốc) cho biết, việc triển khai ngân hàng mở sẽ xuất hiện mô hình ‘tài chính nhúng’ (Embedded Finance), trong đó các ngân hàng thuần túy kỹ thuật số hợp tác với các tổ chức ngoài ngành ngân hàng như các công ty viễn thông/bán lẻ/thương mại điện tử,… bổ sung các thành phần dịch vụ tài chính (Financial Services) vào hành trình của khách hàng. Chẳng hạn, Standard Chartered và Bukalapak sẽ cung cấp một số dịch vụ tài chính sáng tạo thông qua hệ sinh thái của Bukalapak. Hay như cho phép Sociolla cung cấp các sản phẩm tài chính như tài khoản tiết kiệm, các khoản vay và thẻ tín dụng được Nexus hỗ trợ, sau khi có sự phê duyệt của cơ quan quản lý.

Ông Jonathan Cheung cũng lưu ý các ngân hàng khi triển khai ngân hàng mở xác định tình huống kinh doanh, so sánh giữa chi phí và lợi ích. Đặc biệt, cần nghiên cứu xem khách hàng đã sẵn sàng đến mức độ nào cho một trải nghiệm ngân hàng mở/ngân hàng nhúng (đặc biệt là khi được yêu cầu chia sẻ dữ liệu của họ).

Ngân hàng mở: Xu hướng tất yếu của thời đại 4.0
Ngân hàng mở: Xu hướng tất yếu của thời đại 4.0

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, ngân hàng mở là một trong những dấu ấn quan trọng trong quá trình đổi mới công nghệ tài chính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo hướng thông minh và cởi mở, mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho các ngân hàng. Tuy nhiên, cũng tồn tại những rủi ro chủ yếu tập trung vào sự cởi mở của mô hình này. Bởi các đối tác cung cấp các kịch bản hợp tác, nhưng có rất ít đầu ra về khả năng cốt lõi để kiểm soát nó. Vì thế, các ngân hàng đang xem xét và chuẩn bị tốt về việc họ có thể ứng phó với các rủi ro về đầu vào, hiệu ứng cộng hưởng và các vấn đề khó đoán định khác. Sự cần thiết phải xây dựng các cơ chế phát hành và cách ly bảo đảm tính bền vững của API đã được đặt ra.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dần hoàn thiện các khung pháp lý để quản lý hoạt động số hóa Ngân hàng, song thực trạng cho thấy hành lang pháp lý cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ mới còn chưa ổn định. Cụ thể như thông tin dữ liệu khách hàng cấp vĩ mô đang chuẩn hóa, nhưng còn thiếu; tỉ lệ giao dịch offline, giao dịch tiền mặt còn cao, đặc biệt ở các khu vực nông thôn tỉ lệ này ở mức rất cao; nhiều hệ sinh thái được phát triển một cách tự phát và chưa có sự liên thông; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng sau nhiều vòng lấy ý kiến của các cơ quan, Bộ ngành nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành…

Khắc phục những khó khăn và vướng mắc trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc đẩy nhanh hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia thống nhất, cho phép ngân hàng thương mại được khai thác, phục vụ quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng là hết sức cần thiết.

“Sự dịch chuyển mô hình kinh doanh ngân hàng từ hệ sinh thái đóng sang hệ sinh thái mở sẽ là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, nhưng những rủi ro, thách thức vẫn đi cùng là điều khó tránh. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Vì vậy, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chủ động tích cực trong quá trình chuyển đổi, bảo đảm lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của lộ trình xây dựng hệ thống ngân hàng số quốc gia. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với ngân hàng số như lợi ích mang đến cho nền kinh tế, khung phát lý, cũng như lộ trình hoàn thiện nên như thế nào. Bên cạnh đó, là và sự chung tay của các bộ, ngành liên quan, của bản thân các trung gian tài chính, khách hàng với ngân hàng mở. “Dù là mô hình kinh doanh ngân hàng từ hệ sinh thái đóng hay hệ sinh thái mở thì vẫn phải đặt lợi ích khách hàng lên trên hết” - Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Ngân hàng mở: Xu hướng tất yếu của thời đại 4.0
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng: Ngân hàng mở là nội dung mới, cần tiếp tục nghiên cứu

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, cho biết, ngân hàng mở là nội dung mới, cần tiếp tục nghiên cứu bởi những nội dung mới cần được hiểu rõ đúng đủ bản chất sự việc thì mới ban hành chính sách được. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng, ngân hàng mở là xu thế phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. “Hội thảo mang lại nhiều kiến thức, hiểu biết. Các ngân hàng Việt Nam sẽ đi theo xu hướng của ngân hàng mở nhưng để làm được cần sự phối hợp chủ trì của nhiều bên liên quan”, Phó Thống đốc nói.

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, lộ trình trong thời gian sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành Thông tư về Open API trong lĩnh vực thanh toán. Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử, liên quan trực tiếp hoạt động của các ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng nên các ngân hàng và đơn vị của Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp triển khai hiệu quả.

Phó Thống đốc cũng lưu ý Ủy ban chính sách và Hiệp hội Ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu chủ đề này, cố gắng chỉ rõ, đề xuất rõ các dịch vụ triển khai trên Open API, từ đó có cơ sở tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành và Chính phủ ban hành các văn bản, chính sách phù hợp để phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam.

Hoàng Lan
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng

Tin cùng chuyên mục

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: 30 năm nối “nhịp cầu” các ngân hàng thương mại

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: 30 năm nối “nhịp cầu” các ngân hàng thương mại

MSB miễn gần 50 loại phí sử dụng dịch vụ cho dân văn phòng

MSB miễn gần 50 loại phí sử dụng dịch vụ cho dân văn phòng

Agribank dành hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh

Agribank dành hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh

Xây dựng “ngân hàng mở” làm sao để không tốn kém nguồn lực?

Xây dựng “ngân hàng mở” làm sao để không tốn kém nguồn lực?

Thị trường đảo chiều sau 6 phiên tăng, VN-Index giảm gần 2 điểm

Thị trường đảo chiều sau 6 phiên tăng, VN-Index giảm gần 2 điểm

Người trong lực lượng vũ trang không được là thành viên quỹ tín dụng nhân dân

Người trong lực lượng vũ trang không được là thành viên quỹ tín dụng nhân dân

Agribank trình diễn 6 dịch vụ vượt trội tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024

Agribank trình diễn 6 dịch vụ vượt trội tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024

Bất ngờ mức thu nhập nhân viên VIB, hóa ra không cao như chúng ta nghĩ!

Bất ngờ mức thu nhập nhân viên VIB, hóa ra không cao như chúng ta nghĩ!

Các nhà băng mang công nghệ gì tới sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024?

Các nhà băng mang công nghệ gì tới sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024?

VIB đồng hành cùng sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024

VIB đồng hành cùng sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024

Techcombank tiên phong chuyển đổi tài chính số, nâng tầm trải nghiệm và bảo mật cho khách hàng

Techcombank tiên phong chuyển đổi tài chính số, nâng tầm trải nghiệm và bảo mật cho khách hàng

Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn kéo chỉ số VN-Index tăng gần 2 điểm

Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn kéo chỉ số VN-Index tăng gần 2 điểm

Nâng cao năng lực quản trị, xây dựng hệ sinh thái số an toàn, lành mạnh

Nâng cao năng lực quản trị, xây dựng hệ sinh thái số an toàn, lành mạnh

Lãi suất ngân hàng hôm nay ngày 8/5/2024: Thêm 2 ngân hàng tăng lãi suất

Lãi suất ngân hàng hôm nay ngày 8/5/2024: Thêm 2 ngân hàng tăng lãi suất

Chuyển đổi số ngân hàng: Thanh toán điện tử đạt 830 nghìn tỷ VND/ngày

Chuyển đổi số ngân hàng: Thanh toán điện tử đạt 830 nghìn tỷ VND/ngày

Cắt giảm thủ tục hành chính, cổ đông lớn dễ dàng chuyển nhượng cổ phần

Cắt giảm thủ tục hành chính, cổ đông lớn dễ dàng chuyển nhượng cổ phần

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng, giá đặt cọc tăng sốc

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng, giá đặt cọc tăng sốc

VPBank ra mắt gói vay tái tài trợ, lãi suất chỉ từ 4,6%/năm

VPBank ra mắt gói vay tái tài trợ, lãi suất chỉ từ 4,6%/năm

Lãi suất ngân hàng hôm nay ngày 6/5/2024: Cuộc đua tăng lãi suất bắt đầu "nóng"

Lãi suất ngân hàng hôm nay ngày 6/5/2024: Cuộc đua tăng lãi suất bắt đầu "nóng"

Đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt có khả thi?

Đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt có khả thi?

Xem thêm