Ngân hàng chia cổ tức khủng, cổ phiếu “vua” kỳ vọng bứt tốc
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank - Mã CK: TCB) cho biết, ngày 22/5 tới sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ thực hiện là 15%/cổ phần, tức 1 cổ phần nhận 1.500 đồng. Số tiền dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 5.283 tỷ đồng. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền mặt là 5/6/2024.
Đây là năm đầu tiên sau 10 năm Techcombank trở lại với việc chia cổ tức bằng tiền mặt. Trong khi đó, đối với hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, lần thực hiện gần nhất là năm 2018 với tỷ lệ chia lên tới 200%.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 4 vừa qua, Tổng Giám đốc Techcombank - Jens Lottner cho biết, việc thay đổi chính sách chi trả cổ tức dựa trên đánh giá về tiềm năng lợi nhuận, tình hình vốn và những dự báo về thay đổi chính sách. “Với những nền tảng hiện có, Techcombank có thể thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 20%/năm cũng như các tỷ lệ an toàn như chiến lược đã đề ra. Ban lãnh đạo Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức bằng tiền mặt một cách bền vững”, ông Jens Lottner chia sẻ.
Một ngân hàng thương mại lớn khác cũng thông báo chốt ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức bằng tiền mặt trong tuần này là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã CK: VPB). Cụ thể, ngày 23/5 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 (ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/5). Với tỷ lệ chi trả cổ tức là 10%, một cổ phiếu nhân được 1.000 đồng, số tiền VPBank dự kiến dùng để chia cổ tức đợt này là 7.934 tỷ đồng. Ngày thanh toán cổ tức là 31/5/2024.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp VPBank tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, bám sát lộ trình ban lãnh đạo ngân hàng này đưa ra đối với hoạt động phân phối lợi nhuận trong 2 mùa đại hội cổ đông gần nhất. Vào cuối năm 2023, VPBank cũng đã chi gần 8.000 tỷ để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho cổ đông.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, đại diện VPBank cho biết, ngân hàng dự kiến duy trì hoạt động này trong ít nhất 4 năm tới.
Tiền gửi vào ngân hàng đạt kỷ lục hơn 12,8 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã CK: MBB) thông báo, 24/5 là ngày chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức 5% bằng tiền mặt (tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/5). Thời gian thực hiện chi trả cổ tức là từ ngày 14/6. Theo đó, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt, tương ứng mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, MB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 20%, trong đó có 15% bằng cổ phiếu và 5% là tiền mặt.
Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp MB trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Trước đó, MB đã chi ra 2.267 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông vào tháng 7/2023 theo tỷ lệ 5%.
Theo thống kê, trong năm 2024, có 10 ngân hàng đã công bố kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, bao gồm: VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Techcombank, Eximbank, SHB, TPBank và MSB.
Trong khi đó năm 2023 chỉ có 6 ngân hàng trả cổ tức tiền mặt trong năm 2023 là: TPBank, VIB, MB, ACB, VPBank và HDBank, với tổng số tiền chi trả là hơn 23.000 tỷ đồng.
Những thông tin tích cực về việc chia cổ tức đã thu hút dòng tiền chảy vào cổ phiếu ngân hàng thời gian qua. Theo các công ty chứng khoán, trong dòng chảy tăng trưởng của VN-Index giai đoạn từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay có sự đóng góp tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Hiện tại, rất nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh hoặc đang ở vùng đỉnh và nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn có sức hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư.
Cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong giai đoạn đầu năm 2024 |
Ông Phan Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Công ty Chứng khoán DNSE phân tích, cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong giai đoạn đầu năm 2024. Những cổ phiếu ngân hàng vượt đỉnh có chất lượng tài sản tốt và mức định giá chung của các ngân hàng vẫn còn khá hấp dẫn so với toàn thị trường. Hiện mức định giá P/B của ngành ngân hàng khoảng 1.4x, so với mức bình quân 10 năm thì vẫn là nhóm cổ phiếu tương đối hấp dẫn. Dù nhóm cổ phiếu này đã tăng giá khoảng 15% - 20% nhưng tiềm năng tăng giá vẫn còn.
Theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), mỗi thị trường chứng khoán đều có những nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắt. Riêng Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 40% vốn hóa và khoảng 67% - 68% lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán.
Còn các chuyên gia tài chính nhận định, việc các ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ tác động không nhỏ đến thị trường. Nhóm cổ phiếu "vua" kỳ vọng sẽ có sự bứt tốc trong tuần này.
Trong phiên giao dịch sáng 20/5, dẫn dắt đà tăng hiện tại của thị trường nhóm ngân hàng có giá trị giao dịch cao nhất tính đến hiện tại là 1,800 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt hơn 90 triệu đơn vị với sắc xanh áp đảo 18/21 mã. Trong đó, có thể kể đến như VCB tăng 0.44%, BID tăng 0.71%, CTG tăng 0.6% và TCB tăng 0.5%...