Ngân hàng châu Âu tận dụng dịch Covid-19 để tái cơ cấu
Ngân hàng lớn thứ hai của Đức, Commerzbank, trong tuần trước vừa tuyên bố sẽ cắt giảm một phần ba nhân viên tại các chi nhánh trên toàn nước Đức và gần một nửa số địa điểm hoạt động truyền thống sau áp lực từ cổ đông Cerberus Capital Management.
Các thương vụ sáp nhập đang tiến hành ở Italy và Tây Ban Nha dự kiến cũng sẽ khiến hàng nghìn chi nhánh phải đóng cửa vì chồng chéo hoạt động. Đồng thời, hãng tư vấn kinh doanh Kearney dự đoán, 25% trên tổng 165.000 chi nhánh ngân hàng ở châu Âu sẽ biến mất sau ba năm.
Các ngân hàng từ lâu đã được coi là một trong những mắt xích yếu kém của kinh tế châu Âu |
Ngân hàng được coi là một trong những mắt xích yếu kém của kinh tế châu Âu khi tỏ ra chậm chạp trong việc thay đổi để thích nghi với tình hình. So với các ngân hàng Mỹ, từ trước dịch, các ngân hàng châu Âu cũng đã phải vật lộn để kiếm đủ tiền cho các khoản vay. Có thể nói, các ngân hàng đã bước vào cuộc khủng hoảng Covid-19 khi đang phải xoay xở với nợ xấu phát sinh từ khủng hoảng cách đây cả thập kỷ.
Đại dịch đã đẩy ngành ngân hàng ở châu Âu vào tình thế cấp bách. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thúc giục các ngân hàng cải cách và sáp nhập để cắt giảm chi phí. Chính phủ các nước từ lâu khó chấp nhận việc sáp nhập ngân hàng thì nay đã thay đổi quan điểm.
Andrea Enria, Chủ tịch ban kiểm soát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định: "Đại dịch, ở một mức độ nào đó, là chất xúc tác để các ngân hàng bắt đầu giải quyết những điểm yếu này theo cách triệt để hơn".
Chi phí hoạt động của các ngân hàng châu Âu hiện nay khá cao so với doanh thu, một phần do vận hành các chi nhánh kém hiệu quả. 5 ngân hàng hàng đầu của Tây Ban Nha đã đóng 8% chi nhánh vào năm ngoái và tuyên bố sẽ còn đóng cửa nhiều hơn nữa. Bất chấp đã thực hiện cắt giảm và sát nhập từ nhiều năm qua, Tây Ban Nha vẫn là quốc gia có số chi nhánh ngân hàng thương mại tính theo đầu người cao nhất trong khu vực đồng tiền chung euro: 49/100.000 người vào năm 2019, theo Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF).
Caixabank cho biết họ sẽ tiết kiệm được 930 triệu USD mỗi năm, một phần nhờ đóng cửa hơn một nửa trong số 6.300 chi nhánh.
Giới ngân hàng hy vọng, đại dịch đã tạo cho khách hàng thói quen giao dịch mà không cần phải thường xuyên đến chi nhánh - vốn tốn kém chi phí bảo trì và nhân viên. Lượt giao dịch tại quầy đã giảm 30% trong thời gian qua tại AIB Group của Ireland. Và ngân hàng này đang được hưởng lợi từ điểm này.
CEO AIB Colin Hunt cho biết, người già trên 65 tuổi vốn không ưa giao dịch trực tuyến, thì hiện lại là nhóm phát triển nhanh nhất trên các kênh kỹ thuật số của AIB. Ngân hàng này đang cắt giảm văn phòng vật lý và 1.500 việc làm nhằm tiết kiệm 10% chi phí.
Đến nay, các nhà đầu tư vẫn hoài nghi rằng liệu kế hoạch cắt giảm được đưa ra liệu đã đủ hay chưa. Cổ phiếu ngân hàng châu Âu đã giảm suốt nhiều năm. Các ngân hàng lớn nhất của châu Âu dù có tài sản tương đương các ngân hàng Mỹ, nhưng giá trị thị trường lại chỉ bằng một phần nhỏ.
Tại Commerzbank, tiến độ cắt giảm chi phí chậm chạp trong nhiều năm đã khiến cổ đông lớn thứ hai là Cerberus khó chịu. Hè năm ngoái, cổ đông này đã yêu cầu sự thay đổi mạnh mẽ hơn. CEO và Chủ tịch của ngân hàng sau đó đã từ chức. Nhà băng này hiện đối mặt khoản lỗ hơn 300 triệu euro từ khoản đầu tư năm 2017.
CEO Commerzbank Manfred Knof cho biết, ngân hàng này cần phải tái cơ cấu sâu và càng nhanh càng tốt. Việc cắt giảm mạnh chi phí cũng nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Đức - cổ đông lớn nhất của ngân hàng này.
Tại Italy, Ngân hàng Intesa Sanpaolo cũng đã giảm 10.000 việc làm và hàng trăm chi nhánh sau khi sáp nhập với một ngân hàng đối thủ vào năm ngoái. CEO Carlo Messina nói rằng, các chiến lược cũng phải được tính toán lại khi khách hàng chuyển sang các nền tảng trực tuyến nhiều hơn do đại dịch Cocid-19. Ngân hàng này đã tiết kiệm được khoảng 37% chi phí hàng năm nhờ vào các động thái mạnh tay cắt giảm. Intesa có kế hoạch giữ lại ít nhất 3.000 chi nhánh và chuyển đổi thành các trung tâm tư vấn đầu tư và bảo hiểm.