Ngân hàng cảnh báo hàng loạt chiêu trò lừa đảo mới
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) phát đi thông báo khuyến cáo về một chiêu thức lừa đảo mới với số tiền chiếm đoạt ngày càng gia tăng. Theo VietinBank, thời gian vừa qua, tình trạng mạo danh cán bộ tuyển dụng của ngân hàng mời ứng viên phỏng vấn, tham gia nhóm trực tuyến để lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngày càng gia tăng.
Các đối tượng lừa đảo mạo danh Website/Fanpage VietinBank/Tuyển dụng VietinBank để đăng tin tuyển dụng, sử dụng hình ảnh thương hiệu, ảnh thẻ cán bộ hoặc văn bản giả mạo để tạo lòng tin với ứng viên. Từ đó, đối tượng lừa ứng viên tham gia các nhóm chat online để truy cập vào link mã độc, chuyển tiền tham gia nhóm đào tạo thi vào ngân hàng hay yêu cầu ứng viên cung cấp các thông tin bảo mật nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của ứng viên.
Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) từng cảnh báo về việc ngân hàng này bị nhiều đối tượng lợi dụng hình ảnh thương hiệu để tuyển dụng và có dấu hiệu lừa đảo. Cụ thể, Agribank cho biết, nhiều khách hàng về các trang fanpage, website, email mạo danh thông tin tuyển dụng Agribank để lừa đảo những người lao động đang có nhu cầu tìm việc làm nhằm đánh cắp thông tin, giấy tờ và thậm chí chiếm đoạt lệ phí của người lao động.
Theo ngân hàng này, thủ đoạn của nhóm lừa đảo rất tinh vi khi sử dụng tên, hình ảnh, thương hiệu Agribank, đồng thời trực tiếp sao chép các bài viết của Agribank để đăng tải nhằm tạo sự tin tưởng đối với khách hàng, thu hút nhiều người theo dõi và có hành vi lừa đảo những người tham gia. Sau khi có người liên hệ ứng tuyển hoặc gửi email phản hồi sẽ được kết nối trao đổi trực tiếp qua tin nhắn Facebook, Zalo hoặc một trang Google Sheets (bảng tính trên Google), đường link giả mạo thu thập thông tin của ứng viên.
Ngoài ra, các đối tượng còn mạo danh “tuyển dụng Agribank” yêu cầu ứng viên tham gia vào nhiều hội, nhóm chat trên nền tảng Telegram để thực hiện phỏng vấn trực tuyến. Từ đó, kẻ xấu chuẩn bị sẵn những kịch bản hối thúc nộp lệ phí để có cơ hội đi làm nhanh nhất.
Ngoài hình thức lừa đảo qua tuyển dụng, những thủ đoạn lừa đảo người dân cài đặt ứng dụng giả mạo chứa mã độc (app giả mạo) trên điện thoại vẫn được nhóm đối tượng xấu sử dụng.
Ngân hàng cảnh báo hàng loạt chiêu trò lừa đảo mới |
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cũng gửi cảnh báo đến khách hàng về những chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu. Theo Vietcombank, thời gian qua cơ quan chức năng liên tục thông tin về thủ đoạn lừa đảo người dân cài đặt ứng dụng giả mạo chứa mã độc (app giả mạo) trên điện thoại. Một số app giả mạo được ghi nhận như dịch vụ công, VneID, cơ quan thuế, cơ quan công an…
Thủ đoạn phổ biến là đối tượng liên hệ, dẫn dụ khách hàng với một số kịch bản phổ biến như thông tin định danh trên hệ thống không đồng bộ; quá hạn làm sổ hộ khẩu điện tử; hỗ trợ định danh VNeID mức độ 2…
Những thủ đoạn này không mới nhưng vẫn có rất nhiều người bị lừa và truy cập vào đường link giả mạo theo lời kẻ gian. Kết quả là mã độc trong những đường link này sẽ đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng.
Thêm một hình thức khác cũng được các nhà băng cảnh báo gần đây là: Từ sau ngày 1/7, người dân chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử hơn 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học. Nhiều người dân gặp khó khăn khi thực hiện thao tác nhập sinh trắc học. Các đối tượng đã lợi dụng việc này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin kết bạn với người dân qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để “hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học”. Các đối tượng đề nghị người dân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh Căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt… để được hỗ trợ, thậm chí đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng… Các đối tượng còn đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.
Một số ngân hàng thương mại như: Vietcombank, Agribank… khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…) không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học.
Đây là một thủ đoạn rất mới của bọn tội phạm. Các ngân hàng khuyến cáo người dân không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Bởi vì, ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Người dân cảnh giác, không truy cập vào các đường link lạ qua chat, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin… Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao để có thông tin đầy đủ về phương thức, thủ đoạn của tội phạm; chủ động bảo vệ thông tin cá nhân và của người thân; thực hành thói quen sử dụng mạng an toàn.
Ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, người dân cần có ý thức tự bảo vệ như: đổi mật khẩu tài khoản, thông báo cho bạn bè, người thân biết việc tài khoản riêng của mình có thể bị xâm nhập trái phép để tránh bị lừa đảo; nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Không chỉ ngân hàng, chứng khoán cũng là lĩnh vực các nhóm đối tượng xấu hướng tới. Công ty chứng khoán MB (MBS) cũng vừa phát đi cảnh báo các nhà đầu tư về việc có nhóm đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi giả danh thương hiệu MBS, mạo danh ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên công ty MBS để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo là giả mạo thương hiệu MBS, lôi kéo nạn nhân đầu tư trên app giả mạo, nạn nhân sập bẫy và bị chiếm đoạt tài sản. Để tăng tính thuyết phục, nhận được sự tin tưởng từ nạn nhân, đối tượng mạo danh thường sử dụng trái phép nhiều thông tin của MBS nhằm phục vụ mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, như: mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng/tư vấn chứng khoán của MBS để gọi điện giới thiệu, mời chào Khách hàng tham gia các nhóm Zalo/Telegram và tham khảo “tư vấn” từ các chuyên gia hàng đầu của MBS.
“Đối tượng mạo danh lập nhiều nick ảo, đồng thời sử dụng hình ảnh, tên tuổi, kinh nghiệm làm việc, tiểu sử của ban lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao MBS để xưng “thầy”, “chuyên gia tư vấn” và đưa ra các khuyến nghị cho nạn nhân. Đây là các thông tin kẻ gian dễ dàng thu thập trên các bài phỏng vấn, sự kiện của MBS hoặc website/fanpage chính thống của MBS và sử dụng trái phép nhằm mục đích lừa đảo nạn nhân” - MSB thông tin và khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng.
Bởi các “thầy”, “chuyên gia” giả mạo này sẵn sàng nhắn tin riêng cho nạn nhân để thuyết phục tham gia đầu tư chứng khoán hoặc đầu tư khác. Khi được hỏi kỹ về chuyên môn/vị trí làm việc thì kẻ mạo danh thường không trả lời hoặc trả lời chung chung né tránh câu hỏi hay phủ nhận đang làm việc cho MBS mà chỉ là Chuyên gia tư vấn liên kết với nhiều công ty để tư vấn chứng khoán,…
Công ty chứng khoán này cũng khuyến cáo nhà đầu tư cảnh giác các cuộc gọi từ các đầu số lạ như 028888xxxxx/029999xxxxx/028899xxxxx/029988xxxxx/… và các số di động nặc danh.