Nền tảng công nghệ số thúc đẩy dịch vụ tài chính bán lẻ
Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong xu thế hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng bán lẻ là định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu của các ngân hàng và tổ chức tài chính, giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn vốn trung và dài hạn ổn định để phục vụ phát triển kinh tế. Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện đại trên nền tảng công nghệ số thúc đẩy hệ sinh thái tài chính số.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đó chính là cơ hội để các ngân hàng đổi mới mô hình kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ tài chính cá nhân thích ứng với bối cảnh mới. Đồng thời, tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số nhằm mang đến cho khách hàng cá nhân các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng.
“Đây được coi là chiến lược phát triển trọng tâm của nhiều ngân hàng nhằm đa dạng nguồn thu, giảm thiếu rủi ro hoạt động và đạt hiệu quả kinh doanh tối đa” - ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Kết quả năm 2022 dịch vụ thương mại điện tử tăng trưởng 20% so với cùng kỳ 2021 và quy mô ước đạt 16,4 tỉ USD, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong nước là 57 - 60 triệu người chiếm hơn 50% dân số, với giá trị mua sắm trực tuyến của một người ước đạt 5,7 - 6,2 triệu đồng/năm, số khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng thông qua các kênh thanh toán internet banking và mobile banking sự tăng trưởng cả về số lượng và giá trị.
Cuối 2022 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt xử lý qua hệ thống Napas đã giảm từ 12% năm 2021 xuống chỉ còn 6,56% năm 2022...
“Đây là kết quả của quá trình chuyển đổi số ngân hàng đã làm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng, góp phần đẩy nhanh quá trình số hóa ngân hàng” - ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Hội nghị “Dịch vụ Tài chính Bán lẻ xuất sắc năm 2023” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tạp chí The Asian Banker Global tổ chức |
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết thêm, cùng với tiến trình số hóa, dư nợ cho vay cá nhân của nhóm ngân hàng quy mô lớn và vừa chiếm khoảng 40-50% tổng dư nợ cho vay khách hàng, thậm chí tại một số ngân hàng, tỷ trọng cho vay cá nhân lên đến 90% tổng dư nợ. Cơ cấu khách hàng chuyển dịch theo đúng định hướng, tỷ trọng bán lẻ tăng trưởng ổn định, bền vững ở cả hai chiều huy động và cho vay… bên cạnh đó, các công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, tổng dư nợ của khối công ty tài chính tiêu dùng đạt trên 200.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,9% so với tháng 12/2021.
Thực tế cho thấy phát triển các sản phẩm tài chính cá nhân hiện đại trên nền tảng công nghệ số sẽ thúc đẩy thị trường ngân hàng bán lẻ phát triển hiệu quả hơn, trên cơ sở đó góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, tạo sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng.
Theo ông Hùng, với các giao diện lập trình ứng dụng (API), dữ liệu mở, các tổ chức tài chính đang tận dụng các cơ hội để cộng tác với fintech và nhà cung cấp bên thứ ba nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng với chi phí thấp hơn cũng như giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới được thiết kế xoay quanh sự tiện lợi và cá nhân hóa. Những đổi mới và phát triển này chứng minh rằng tài chính bán lẻ sẽ đóng một vai trò thậm chí còn lớn hơn trong tương lai.
Thời gian tới, các tổ chức tín dụng sẽ tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán cung cấp cho khách hàng theo hướng đa kênh, đa tiện ích sử dụng trên nền tảng công nghệ số, tích hợp ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại trong thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương, bù trừ điện tử qua hệ thống thanh toán tập trung, hệ thống thẻ, hệ thống ngân hàng tự động.
Đồng thời, tiếp tục phát triển sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, giảm chi phí cho khách hàng trên cơ sở tăng cường hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các công ty tài chính - công nghệ, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử để xây dựng hệ sinh thái thanh toán khép kín phục vụ nhu cầu thanh toán của các giao dịch thương mại điện tử đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin khách hàng. Cải tiến quy trình nghiệp vụ thanh toán theo hướng đơn giản thủ tục hồ sơ, chứng từ giao dịch chuyển đổi theo hướng số hóa và tự động hóa.
Ngoài ra, tăng cường kết hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm truyền tải, phổ biến, lan tỏa và nâng cao nhận thức của khách hàng tại địa bàn nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa về các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, về dịch vụ ngân hàng bán lẻ, tăng cường hiểu biết và hình thành thói quen thanh toán điện tử khi thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Xây dựng chiến lược mở rộng giáo dục tài chính đối với cộng đồng.